Nâng hạng giúp chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng tầm
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán quan trọng ở chỗ, chất lượng thị trường được nâng tầm, là nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phóng viên: Việt Nam hiện được MSCI và FTSE theo dõi nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Ông đánh giá ra sao về việc chúng ta đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của 2 tổ chức này?
Ông Bùi Văn Huy: Việt Nam hiện được MSCI và FTSE theo dõi nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Đối với FTSE, Việt Nam đã hầu hết đáp ứng được các tiêu chí của Thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) như: Cơ quan quản lý thị trường chủ động giám sát thị trường; không phản đối, hạn chế hoặc xử phạt đối với đầu tư/thu hồi vốn; môi giới đủ tính cạnh tranh để đảm bảo dịch vụ môi giới chất lượng cao; phí giao dịch hợp lý và cạnh tranh; tính minh bạch thông tin chuyên sâu, quy trình báo cao giao dịch kịp thời; lưu ký cạnh tranh hiệu quả để đảm bảo dịch vụ chất lượng cao…
Trong kỳ đánh giá tháng 9/2024 tới đây, chúng ta kỳ vọng FTSE sẽ chính thức thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng, được xem xét nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 03/2025 và chính thức được nâng hạng vào tháng 9/2025.
Đối với MSCI, các tiêu chí có vẻ khắt khe hơn và còn nhiều tiêu chí chúng ta chưa đáp ứng được như mức độ giới hạn sở hữu nước ngoài; mức độ tự do của thị trường ngoại hối; vấn đề bù trừ và thanh toán, cho vay chứng khoán, bán khống… Đường nâng hạng bởi MSCI gian nan hơn nhưng không thể phủ nhận chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua.
Chúng ta kỳ vọng MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách chờ xem xét nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2025 và xem xét nâng hạng vào tháng 6/2026. Nếu đáp ứng các tiêu chí, MSCI sẽ chính thức nâng hạng thị trường Việt lên mới nổi vào tháng 6/2027.
Phóng viên: Ông có đồng thuận với các nhận định về khả năng thu hút dòng vốn ngoại khi chúng ta được nâng hạng thị trường?
Ông Bùi Văn Huy: Vì câu chuyện FTSE trước mắt, nên chúng ta có thể nói về những kỳ vọng gần rằng nâng hạng FTSE sẽ thu hút dòng vốn ngoại. Cụ thể hiện có khoảng 16 quỹ lấy FTSE Emerging làm Benchmark và có tổng NAV khoảng 95 - 100 tỷ USD. Nếu chiếm 1% Việt Nam hy vọng sẽ hút 1 tỷ USD vốn thụ động.
Câu chuyện MSCI còn lớn hơn rất nhiều nhưng có lẽ ở tương lai vẫn còn xa một chút và sau câu chuyện FTSE nâng hạng.
Tuy nhiên, theo tôi câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán quan trọng nằm ở chỗ chất lượng thị trường được nâng tầm. Chuyện hút ròng 1-2 tỷ USD không quá quan trọng vì nếu chúng ta thấy từ đầu năm đến giờ khối ngoại cũng đã bán ròng 2 tỷ USD. Quan trọng là nội tại thị trường trường chứng khoán Việt Nam.
Phóng viên: Ông có thể điểm danh những cổ phiếu, nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường?
Ông Bùi Văn Huy: Đó là các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số FTSE. Hiện nay, Top 10 cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số FTSE là HPG (8,14%), FPT (7,56%), VIC (4,87%), VHM (4,62%), VCB (4,51%), MSN (4,46%), VNM (4,3%), MWG (4,14%), VPB (3,89%), SSI (3,69%).
Top 10 cổ phiếu hiện nằm trong rổ chỉ số MSCI, ngoài HPG, VIC, VHM, MSN, VCB, VNM, SSI còn có DGC, VND, VRE.
Phóng viên: Ông có nhìn nhận gì về sự chuẩn bị, hoàn thiện của các thành viên thị trường nhằm đón cơ hội từ nâng hạng? Và với riêng DSC đã có những bước chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ông Bùi Văn Huy: Tôi nghĩ câu chuyện nâng hạng là câu chuyện chung của cả thị trường và ai cũng mong ngóng điều này. Từ cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán thành viên lẫn nhà đầu tư tham gia thị trường.
Hiện cũng như các công ty chứng khoán thành viên khác, DSC cũng luôn nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu về hệ thống và quản trị để chuẩn bị cho những chuyển biến mới từ thị trường nói chung và câu chuyện nâng hạng thị trường nói riêng.