Năng lực trinh sát vệ tinh của Ba Lan, Mỹ

'Việc thu thập và xử lý dữ liệu hình ảnh vệ tinh trong thời gian thực có thể mang lại lợi thế trên chiến trường hiện đại', ông Krzysztof Trofiniak, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vũ khí Ba Lan, nhận định ngày 5/9.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan đang tìm cách cải thiện khả năng quan sát Trái đất từ không gian. Hai công ty vừa ký thỏa thuận mới để hợp tác phát triển vệ tinh quang học có độ phân giải cao nhằm cung cấp không ảnh rõ nét cho người dùng tại Ba Lan, sau đó cho khách hàng toàn cầu.

Tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 32 ở thành phố Kielce, ICEYE Polska, chi nhánh Ba Lan của công ty vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) ICEYE của Phần Lan, và công ty chuyên về công nghệ quang học và hình ảnh Scanway ký bản ghi nhớ về việc thiết kế các vệ tinh quang học có độ phân giải cao.

Ban đầu, các vệ tinh này sẽ cung cấp hình ảnh cho người dùng tại Ba Lan, nhưng trong tương lai cũng có thể mở rộng cho khách hàng toàn cầu.

Bản ghi nhớ do Chủ tịch kiêm đồng sáng lập ICEYE, Rafał Modrzewski, và Chủ tịch kiêm người sáng lập Scanway, Jędrzej Kowalewski, ký hôm 3/9.

Các vệ tinh mới sẽ được sử dụng cho mục đích quốc phòng và có độ phân giải quang học khoảng 50 cm, cần thiết để phát hiện và nhận dạng mục tiêu. Chúng sẽ kết hợp với hệ thống SAR hiện có của ICEYE, cung cấp cho khách hàng Ba Lan dữ liệu quan sát Trái đất toàn diện.

Nhiều vệ tinh SAR của ICEYE có thể ghé thăm cùng một vị trí phía trên Trái đất hàng chục lần trong một ngày và thực hiện việc chụp ảnh radar cả ngày lẫn đêm, bất kể điều kiện thời tiết.

Hình ảnh vệ tinh ICEYE 25cm SAR về các bể chứa dầu ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: ICEYE.

Hình ảnh vệ tinh ICEYE 25cm SAR về các bể chứa dầu ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: ICEYE.

“Hiện tại, các lực lượng vũ trang cần hệ thống quang học có độ phân giải ít nhất là 50 cm. Các hệ thống như vậy có thể được lắp đặt trên các vệ tinh thuộc lớp 150-200 kg, do ICEYE sản xuất và vận hành… Chúng tôi đã đưa 38 vệ tinh như vậy vào quỹ đạo”, ông Modrzewski cho biết.

“Cung cấp cho khách hàng các thiết bị quang học ngày càng lớn hơn và tiên tiến hơn, có khả năng chụp ảnh với độ phân giải dưới 1 mét là hướng phát triển chiến lược của Scanway”, ông Kowalewski nói.

Mô hình một hệ thống tác chiến điện tử và tình báo tín hiệu. Ảnh: Systel.

Mô hình một hệ thống tác chiến điện tử và tình báo tín hiệu. Ảnh: Systel.

Ngày 4/9, ICEYE Polska ký một thỏa thuận khác, lần này với Wojskowe Zakłady Łączności Nr 1 (WZŁ-1, Công trình Truyền thông Quân sự) và Polska Grupa Zbrojeniowa (PGZ, Tập đoàn Vũ khí Ba Lan), nhằm cùng phát triển Cell ISR Di động (Mobilna Platforma Rozpoznania Satelitarnego ISR, MPRS ISR), được điều chỉnh để làm việc với vệ tinh SAR và vệ tinh trang bị cảm biến quang học.

Các công ty này cho biết, giải pháp mới kết hợp hệ thống truyền thông và truyền dữ liệu, đơn vị cung cấp năng lượng và hệ thống ăng-ten được thiết kế đặc biệt, đảm bảo truyền dữ liệu nhanh chóng và phân phối trực tiếp đến người nhận tương ứng ở bất kỳ cấp độ chỉ huy nào.

MPRS ISR được thiết kế để cung cấp khả năng tiến hành các hoạt động liên tục bằng cách sử dụng chòm vệ tinh ICEYE, thu thập dữ liệu gần như trong thời gian thực và phân tích liên tục.

Hệ thống được thiết kế để hợp tác ở cấp độ chiến dịch, hỗ trợ chỉ huy trong việc đưa ra quyết định và cung cấp nhận thức tình huống trên chiến trường một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.

“Hệ thống trinh sát và truyền thông vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của lực lượng vũ trang. Việc thu thập và xử lý dữ liệu hình ảnh vệ tinh trong thời gian thực có thể mang lại lợi thế trên chiến trường hiện đại. Đây là những kết luận có thể rút ra, trong số những điều khác, từ cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine”, ông Krzysztof Trofiniak, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PGZ, nhận định.

Các máy bay đỗ tại Sân bay Domodedovo gần thủ đô Mátxcơva ngày 6/4/1979 được vệ tinh do thám KH-9 Hexagon của Mỹ chụp. Ảnh: Văn phòng Trinh sát Quốc gia (Mỹ).

Các máy bay đỗ tại Sân bay Domodedovo gần thủ đô Mátxcơva ngày 6/4/1979 được vệ tinh do thám KH-9 Hexagon của Mỹ chụp. Ảnh: Văn phòng Trinh sát Quốc gia (Mỹ).

Mỹ dẫn đầu

Khả năng trinh sát vệ tinh đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quân đội hiện đại, cung cấp thông tin tình báo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định chiến lược và nắm bắt tình hình chiến trường.

Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực này với mạng lưới vệ tinh quân sự rộng lớn, như các vệ tinh do Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO) vận hành, cung cấp khả năng hình ảnh tiên tiến, tình báo tín hiệu (SIGINT) và radar.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo vệ tinh do thám NROL-87 cho Văn phòng Trinh sát Quốc gia (Mỹ) được phóng ngày 2/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo vệ tinh do thám NROL-87 cho Văn phòng Trinh sát Quốc gia (Mỹ) được phóng ngày 2/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Nga cũng duy trì một nhóm vệ tinh trinh sát đáng kể, với các hệ thống như vệ tinh quang học Persona cung cấp hình ảnh độ phân giải cao cho các hoạt động quân sự. Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng khả năng vệ tinh của mình với các chương trình như loạt vệ tinh Yaogan, được sử dụng cho cả giám sát quang học và radar.

Các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, đã phát triển các hệ thống tiên tiến như vệ tinh Helios và SAR-Lupe, đóng góp vào mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo của NATO. Các quốc gia như Ấn Độ, Israel… cũng đã phát triển các vệ tinh trinh sát của riêng mình, nâng cao an ninh khu vực và khả năng phòng thủ độc lập.

Những hệ thống này cho phép quân đội theo dõi đối thủ, đánh giá mối đe dọa và cải thiện khả năng tấn công chính xác.

Thái An

Theo Breaking Defense, Wikipedia, Bloomberg

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nang-luc-trinh-sat-ve-tinh-cua-ba-lan-my-post1670250.tpo