Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại
Trong hai ngày (9 - 10/7) tại Thành phố Đà Nẵng, Hội thảo Tổng kết Dự án iPLAY do VVOB tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức đã thu hút sự quan tâm và tham gia từ các trường đại học sư phạm, giảng viên quốc gia, các tổ chức giáo dục và đối tác dự án tại 8 tỉnh, thành phố. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo 8 tỉnh, thành phố (trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu) tham gia Dự án Lồng ghép Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam (Dự án iPLAY).
Một trong những nội dung lớn của hội thảo là “Thúc đẩy sự tự chủ của học sinh nhằm áp dụng hiệu quả Học thông qua Chơi” – một hướng tiếp cận mới, nhân văn trong giáo dục hiện đại. Theo ông Nguyễn Bảo Châu – Điều phối dự án iPLAY, tổ chức VVOB Việt Nam, “Tự chủ không chỉ là một năng lực mà là một quyền của người học. Khi được tin tưởng, học sinh có thể lựa chọn, đưa ra ý kiến, sáng tạo và chịu trách nhiệm với quá trình học tập của mình”.
Sự tự chủ không chỉ là đích đến mà còn là phương tiện để học sinh học tập hiệu quả, phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và học suốt đời. ”Tự chủ – năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục 2018 Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", “năng lực tự chủ và tự học” được xác định là một trong những năng lực cốt lõi, gồm 6 thành tố: tự lực, tự điều chỉnh hành vi, thích ứng cuộc sống, định hướng nghề nghiệp, tự học và tự hoàn thiện. Sự tự chủ của học sinh là trụ cột nền tảng của giáo dục hiện đại, trang bị cho người học những kỹ năng thiết yếu hỗ trợ phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và học tập suốt đời.

Đại biểu dự hội thảo tham gia các hoạt động minh họa về Học thông qua Chơi và thúc đẩy sự tự chủ.
Tại Việt Nam, tự chủ và tự học đã được Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 nêu rõ là một trong những năng lực cốt lõi trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ nhằm đạt mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, tính tự chủ thường bị nhầm lẫn với việc tự học hay học tập độc lập, khiến những khía cạnh rộng hơn như khả năng hợp tác, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng dễ bị bỏ qua và chưa được thể hiện đầy đủ trong thực tiễn dạy học.
Nhằm xác định những khoảng trống trong cách hiểu và thực hành thúc đẩy sự tự chủ của học sinh trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tổ chức VVOB tại Việt Nam cùng với các thành viên trong nhóm kỹ thuật đến từ các tổ chức giáo dục và các trường đại học sư phạm đã xây dựng tài liệu: “Thúc đẩy sự tự chủ của học sinh: Thực hành sư phạm nhằm phát triển tính tự chủ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, phân tích những cách hiểu khác nhau về sự tự chủ và đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực tích hợp sự tự chủ trong lớp học và trong nhà trường, cùng những thực hành nhằm thúc đẩy sự tự chủ của học sinh.

Ông Nguyễn Bảo Châu - Điều phối dự án iPLAY, Tổ chức VVOB tại Việt Nam giới thiệu Học thông qua Chơi và sự tự chủ của học sinh.
Ông Nguyễn Bảo Châu - Điều phối dự án chia sẻ: “Chúng ta cần chuyển từ việc xem tự học là đọc tài liệu một mình, sang nhìn nhận sự tự chủ như một năng lực tích hợp – học sinh cần biết tự đặt mục tiêu, đánh giá tiến độ, hợp tác với bạn học và điều chỉnh phương pháp học phù hợp với bản thân”.
“Bản tham luận kỹ thuật không chỉ là định hướng lý thuyết, mà là công cụ thực tiễn để giáo viên, lãnh đạo nhà trường và giảng viên sư phạm có thể áp dụng trực tiếp vào hoạt động dạy và học. Đây là bước đi cần thiết để đưa năng lực tự chủ vào thực tế lớp học”.

Đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu tham gia hội thảo.
Tại hội thảo, đại diện tổ chức ChildFund trình bày báo cáo tóm tắt với nhiều khuyến nghị cụ thể để thúc đẩy phát triển sự tự chủ của học sinh, trong đó, nhấn mạnh vai trò của môi trường học tập an toàn, cởi mở, sự đồng hành của giáo viên và chính sách hỗ trợ từ cấp quản lý giáo dục.
Chia sẻ tại phần thảo luận nhóm, bà Nguyễn Lệ Huyền – Cố vấn chiến lược giáo dục của VVOB Việt Nam nhấn mạnh: “Không thể đòi hỏi học sinh có tự chủ khi môi trường học tập không cho phép các em được thử, được sai và được điều chỉnh. Tự chủ học sinh bắt đầu từ sự tự chủ của người thầy và sự linh hoạt trong các hoạt động dạy và học”.
Các thực hành tốt được giới thiệu từ Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), các trường đại học sư phạm và đặc biệt là Trường Tiểu học Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã minh chứng rõ nét: Khi giáo viên thay đổi cách tổ chức lớp học, lắng nghe học sinh nhiều hơn và tin vào khả năng của các em, kết quả học tập trở nên sinh động, bền vững và mang lại niềm vui thực sự.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất 5 nhóm khuyến nghị nhằm phát huy sự tự chủ của học sinh: Tăng cường vai trò lãnh đạo nhà trường trong việc thiết kế chương trình, tạo môi trường hỗ trợ và công nhận sáng kiến của giáo viên. Nâng cao năng lực giáo viên thông qua bồi dưỡng, tài liệu hướng dẫn, công cụ đánh giá tự chủ và khuyến khích học thông qua chơi. Thúc đẩy vai trò của gia đình và cộng đồng trong hỗ trợ phát triển sự tự chủ tại nhà thông qua tương tác tích cực và truyền thông hiệu quả. Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thể hiện sự tự chủ như câu lạc bộ, dự án nhóm, hoạt động ngoại khóa. Tăng cường vai trò của cơ sở đào tạo giáo viên trong đào tạo/bồi dưỡng về phát triển năng lực tự chủ, từ chương trình cử nhân tới thực hành giảng dạy.
Hội thảo cũng ghi nhận các mô hình thành công như thực hành giáo dục hòa nhập với học sinh khuyết tật, cụ thể như mô hình Song ngữ – Song văn hóa cho học sinh điếc (VAEFA).

Đại diện Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ người điếc miền Trung chia sẻ kinh nghiệm bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Hội thảo kết luận, để xây dựng một nền giáo dục hiện đại và nhân văn, việc nuôi dưỡng sự tự chủ cho người học cần được đặt làm trọng tâm từ chính sách đến lớp học, từ nhà trường đến gia đình.
Thông qua hội thảo, VVOB kỳ vọng sẽ lan tỏa hiểu biết đúng về sự tự chủ của học sinh, đồng thời thúc đẩy các thực hành sư phạm đổi mới với vai trò của các bên liên quan nhằm xây dựng môi trường học tập nơi học sinh có thể chủ động, sáng tạo và phát triển toàn diện. Đại diện tổ chức VVOB tại Việt Nam cũng khẳng định cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác giáo dục tại Việt Nam để nhân rộng mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và tăng cường năng lực tự chủ của học sinh để thúc đẩy việc áp dụng Học thông qua Chơi hiệu quả hơn trong mỗi nhà trường.