Năng lượng mới cho mọi người

Công ty khởi nghiệp Enpal, Đức mới mở trường dạy nghề đầu tiên để đào tạo phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo. 'Ngày càng nhiều người muốn thoát khỏi năng lượng hóa thạch và chi phí năng lượng cao', Wolfgang Gruendinger, phát ngôn viên của Enpal cho biết.

 Các học viên Trường đào tạo Enpal đang thực hành trên các bản sao mái nhà gắn trên mặt đất

Các học viên Trường đào tạo Enpal đang thực hành trên các bản sao mái nhà gắn trên mặt đất

Công ty này còn cung cấp dịch vụ cho thuê tấm năng lượng Mặt trời dài hạn kèm việc lắp đặt và bảo trì. Các cá nhân đã thuê 40.000 bộ thu năng lượng Mặt trời của công ty trong năm ngoái, trung bình hơn 300 bộ/tháng. “Nhu cầu rất mạnh. Chúng tôi phải lắp đặt nhiều đơn vị trong thời gian ngắn nhất có thể, đồng thời, chứng kiến sự thiếu hụt lớn về công nhân có tay nghề cao”, Alexander Friedrich, người được công ty thuê để đào tạo nhân viên mới cho biết. Để đáp ứng nhu cầu, Enpal đã thành lập trường đào tạo của riêng mình tại Blankenfelde, phía Nam Berlin, để đào tạo công nhân lắp đặt các tấm pin, cũng như đào tạo các thợ điện chuyên dụng làm việc trên các tấm quang điện và cung cấp khoảng 100 kỹ thuật viên lành nghề mỗi tháng.

Đây chỉ là một trong số các công ty năng lượng ở Đức cố gắng bắt kịp xu hướng năng lượng mới. Hiện liên minh cầm quyền ở Đức gồm các đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) (còn gọi là Liên minh đèn giao thông) đã nhất trí ngay trong tuần này sẽ thảo luận tại Quốc hội về việc sửa đổi Đạo luật Năng lượng cho các tòa nhà (GEG). Việc thảo luận dự luật kịp thời ở cơ quan lập pháp sẽ tạo cơ hội để đạo luật có thể được thông qua trước kỳ nghỉ hè, bắt đầu từ ngày 8-7 tới. Theo Bộ Kinh tế Đức, gần một nửa trong số khoảng 41 triệu hộ gia đình ở nước này sưởi ấm bằng khí đốt, tiếp theo là sưởi ấm bằng dầu chiếm gần 25% và sưởi ấm từ xa với 14%, còn lại là sưởi bằng điện hoặc bơm nhiệt.

Với dự luật mới, Chính phủ Đức muốn đảm bảo cho mục tiêu bảo vệ khí hậu hiệu quả hơn khi sưởi ấm. Theo dự luật, từ năm 2024, mọi hệ thống sưởi ấm mới được lắp đặt phải được vận hành với ít nhất 65% năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi này sẽ được hỗ trợ từ nguồn tài trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, dự luật mới còn vạch ra kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển tiếp cũng như các quy định nghiêm ngặt liên quan. Một số chi tiết còn gây tranh cãi sẽ tiếp tục được các đảng thảo luận để đi tới thống nhất.

Đảng FDP trước đó yêu cầu dự luật phải có sự thay đổi cơ bản, trong đó cần chú trọng hơn tới lựa chọn sưởi ấm với nguyên liệu là hydro, kêu gọi duy trì “thuế hiện đại hóa” với chi phí có thể được chuyển cho bên thuê nhà. Tuy nhiên, bảo vệ người thuê nhà lại là yêu cầu trọng tâm của SPD. Bộ trưởng Habeck của đảng Xanh gần đây đã đề xuất một số điều chỉnh đối với dự luật, trong đó đề nghị nghĩa vụ lắp đặt hệ thống sưởi thân thiện với khí hậu từ năm 2024 ban đầu chỉ nên áp dụng đối với các tòa nhà mới, trong khi cho thêm thời gian chuyển đổi đối với các tòa nhà hiện tại. Theo kế hoạch, luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Trong thỏa thuận liên minh cầm quyền, các đảng nhất trí sẽ đạt được đạo luật GEG mới vào năm 2025. Tuy vậy, hồi tháng 3-2022, dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, liên minh 3 đảng đã nhất trí thúc đẩy thông qua đạo luật này sớm hơn 1 năm. “Liên minh đèn giao thông” cũng dự định lập Quy hoạch Nhiệt độ thị trên toàn nước Đức muộn nhất là vào năm 2028.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-luong-moi-cho-moi-nguoi-post693712.html