Nâng mức giảm trừ gia cảnh để thuế thu nhập cá nhân không còn nghịch lý

Lo ngại về nghịch lý người dân chưa tự đảm bảo tốt đời sống nhưng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng đã đến lúc và không thể muộn hơn cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh theo hướng nâng cao một cách cơ bản các mức này.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Đi tìm câu trả lời cho mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhìn nhận thế nào cho đúng, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã có trao đổi với PetroTimes, ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế).

PV: Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh để chính sách tăng tiền lương phát huy hiệu quả theo kỳ vọng, ông nhìn nhận như thế nào về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Theo Luật Thuế TNCN và Nghị quyết của UBTV Quốc hội thì từ năm 2020 đến nay, mức miễn thu đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, còn mức giảm trừ gia cảnh đối với những người phụ thuộc như cha, mẹ, con là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói rằng với giá cả sinh hoạt hiện nay, nhất là ở khu vực đô thị, dư luận đa số đều cho rằng các mức ấn định cho việc miễn thu thuế quá thấp, hay nói cách khác đã trở nên lỗi thời về mặt chính sách thuế, xét từ góc độ bảo đảm đời sống của người dân.

Có nhận định như vậy bởi khi lấy mức chi phí sinh hoạt tối thiểu của một cá nhân hay gia đình trong một tháng làm điểm xuất phát. Theo quan sát của tôi, tại các đô thị lớn, chi phí cơ bản của một cá nhân sẽ bao gồm 2 triệu đồng thuê nhà, 1 triệu đồng xăng xe và đi lại, 4,5 triệu đồng tiền ăn và 0,5 triệu đồng cho liên lạc và Internet. Vậy là chỉ còn lại 3 triệu đồng cho tất cả các nhu cầu còn lại như chăm sóc sức khỏe thăm hỏi, giao tiếp xã hội, học tập, sinh hoạt văn hóa và giải trí.

Tính toán đơn giản như thế để thấy rằng với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ là không đủ, hay chỉ là để tồn tại mà không phải sống theo đúng nghĩa gọi là tử tế. Vậy, với một gia đình tiêu chuẩn gồm 4 người, nếu mỗi bố, mẹ chỉ có thu nhập đủ nuôi mình, cộng khoản có thêm 4,4 triệu đồng cho mỗi trẻ em đi học, trong điều kiện phải trả học phí và tiền học thêm, thì liệu có đủ không?

Trong khi đó, từ khi đánh thuế TNCN, pháp luật buộc người có thu nhập trên các mức quy định phải nộp thuế rồi, nói cách khá, họ phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước để phục vụ các mục tiêu công ích. Theo tôi, nguyên lý cơ bản ở đây cần được bàn lại. Trong điều kiện tôi chưa tự nuôi đủ cho mình, hay cho gia đình, tức chưa bảo đảm khả năng tồn tại một cách chắc chắn, thì liệu có thật sự chính đáng khi yêu cầu tôi phải chăm lo cho người khác và việc khác được không?

Cho nên, tôi cho rằng đã đến lúc và không thể muộn hơn, các đại biểu Quốc hội cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN, theo hướng nâng cao một cách cơ bản các mức này. Đương nhiên, chúng ta thừa nhận sẽ có người ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa nói rằng "mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng là ước mơ của tôi". Điều đó có thể đúng, nên về khách quan, chúng ta cần thiết kế các định mức, tiêu chuẩn khác nhau cho các vùng miền khác nhau để đảm bảo khoa học, hợp lý và công bằng.

Người lao động "thắt chặt" chi tiêu dù thu nhập bình quân tháng tăng 7,4% trong quý III/2024 (Ảnh: PT)

Người lao động "thắt chặt" chi tiêu dù thu nhập bình quân tháng tăng 7,4% trong quý III/2024 (Ảnh: PT)

PV: Phản hồi về đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cho rằng mức giảm trừ gia cảnh “quá cao” sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao”, xin được hỏi góp ý của ông để chính sách thuế TNCN vừa đảm bảo mức giảm trừ gia cảnh hợp lý cho người dân, vừa hài hòa mục tiêu của chính sách thuế?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi e rằng quan điểm như vậy thiếu tính thuyết phục. Các sắc thuế nói chung có hai chức năng chính, đó là nguồn thu cho ngân sách và điều tiết các quan hệ kinh tế - xã hội. Về chức năng điều tiết thu nhập, việc đánh thuế nhằm để người thu nhập cao có cả điều kiện lẫn nghĩa vụ để nhường một phần thu nhập của mình vì lợi ích của người thu nhập thấp. Về bản chất, dù gọi tên luật thế nào thì nguyên lý ấy cũng không thay đổi.

Ngoài ra, từ góc độ lập chính sách, tôi không nghĩ Luật Thuế TNCN hay bất cứ luật thuế nào được lập ra để phục vụ riêng mục tiêu thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, là cơ quan quản lý ngân sách quốc gia. Hơn thế, đó là công cụ của cả bộ máy nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế và quản trị quốc gia. Chính sách thuế luôn cần sự đồng bộ và hài hòa với các chính sách khác.

Chẳng hạn, khi xem xét để ấn định mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh, rất cần liên hệ đến bối cảnh chung, theo đó Nhà nước không còn bao cấp về các dịch vụ công như y tế, giáo dục như trước đây. Nếu coi mức giảm trừ gia cảnh với 4,4 triệu đồng là phù hợp thì các nhà lập chính sách thuế có tính đến các chi phí cho giáo dục, y tế mà người dân nói chung, mỗi gia đình hiện nay phải gánh chịu ngày càng cao hay không? Thậm chí, các chi phí đó đã trở thành khoản chi thường xuyên lớn nhất đối với các gia đình có con ở độ tuổi đến trường.

Trong khía cạnh này, chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cơ bản chi phí ngân sách cho giáo dục, tôi cho rằng thể hiện một tầm nhìn xa về tương lai phát triển của đất nước. Bởi cần thấy rằng chính sách thuế cũng đóng vai trò quan trọng vào hiện thực hóa tầm nhìn ấy, khi việc tăng mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh không đồng nghĩa với sự thất thiệt nào đó mà mang tác dụng ngược lại.

Từ việc được miễn, giảm thuế, mỗi gia đình sẽ có có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư vào học hành và chăm sóc sức khỏe cho con trẻ để có thể bồi dưỡng, xây dựng cho đất nước có một đội ngũ lạo động chất lượng cao trong tương lai. Như vậy, việc ngân sách nhà nước thu được ít đi sẽ có tác động tích cực về dài hạn, đó là sự phát triển bền vững về con người và nguồn nhân lực.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động tự đảm bảo tốt đời sống

Nâng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động tự đảm bảo tốt đời sống

PV: Bộ Tài chính vừa đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế), trong đó giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, luật sư có nhìn nhận đây là đề xuất hợp lý?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương này, bởi đó chính là trách nhiệm và thẩm quyền của Chính phủ. Theo nguyên lý quản trị quốc gia, Quốc hội là cơ quan đại biểu của nhân dân sẽ luôn luôn có thẩm quyền yêu cầu Chính phủ phải làm gì. Trong khi đó, Chính phủ có quyền và nghĩa vụ đề xuất các chính sách, cơ chế và điều kiện để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bao gồm cả việc cân đối ngân sách lẫn bảo đảm đời sống của người dân.

Chính phủ thông qua bộ máy các cơ quan hành pháp cũng là người nắm rõ nhất thực trạng nền kinh tế và cả các rủi ro, biến động đi kèm với các tác động lên đời sống xã hội. Có nghĩa rằng căn cứ thẩm quyền do Quốc hội trao cho, Chính phủ sẽ có không gian để tự quyết định về chính sách một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, bao gồm mức miễn thu, mức giảm trừ gia cảnh và các nhóm đối tượng được áp dụng.

Điều này có tính hợp lý về cả khía cạnh kỹ thuật bởi quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành và sửa đổi luật rất phức tạp, kéo dài, trong khi các nhu cầu từ cuộc sống luôn đòi hỏi được đáp ứng một cách nhanh chóng, kịp thời.

PV: Trong bối cảnh vật giá leo thang, để người dân giảm bớt gánh nặng thuế, còn vấn đề gì mà ông muốn bổ sung không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi chỉ có một điều tôi muốn nói thêm, đó là làm sao để hỗ trợ các đại biểu Quốc hội về thông tin, kiến thức chuyên môn khi thảo luận, thông qua chính sách và các đạo luật. Có nhiều biện pháp như cơ chế tham khảo ý kiến của các chuyên gia và sự tham gia, đóng góp của báo chí, truyền thông cho các hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đối với các vấn đề thiết thực đối với đời sống người dân như thuế TNCN, phải chăng rất cần bổ sung các cuộc khảo sát, điều tra về xã hội học khi các đề xuất chính sách, pháp luật của Chính phủ hay các Bộ, ngành trình lên. Mặc dù đất nước đang ghi nhận các thành tựu nổi trội về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, tuy nhiên, nếu khảo sát cả thực trạng về đời sống, thu nhập và nguyện vọng của người dân, rất có thể chúng ta sẽ nhìn thấy một bức tranh khác, và các đại biểu Quốc hội cần phản ánh điều đó trên nghị trường.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/nang-muc-giam-tru-gia-canh-de-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-con-nghich-ly-721127.html