Nâng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% sẽ tạo sức ép và đồng bộ trong thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo các đại biểu Quốc hội, với tiềm năng và tiềm lực của Việt Nam hoàn toàn đạt được tăng trưởng trên hai con số. Vì vậy, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% nhằm tạo sức ép và đồng bộ để tất cả các bộ ngành, địa phương và đơn vị tổ chức phải vào cuộc, phải hành động để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu như: Vốn đầu tư toàn xã hội nâng lên khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD so với trước). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Những chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành, chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.

2025 cũng là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Đại biểu Cường cho biết, khi phải thực hiện quá nhiều công việc và nhiệm vụ cùng lúc, việc thực hiện mục tiêu tăng kinh tế sẽ bị phân tán nguồn lực, và có thể không đạt được chỉ tiêu.

Do đó, việc điều chỉnh tăng trưởng thể hiện sự quyết tâm lớn của Thủ tướng Chính phủ trong việc mong muốn phải tận dụng tối đa các tiềm năng cơ hội sẵn có và thực sự quyết tâm cao để vượt qua những thách thức trong năm 2025.

“Điều này buộc tất cả các bộ ngành, địa phương và đơn vị tổ chức phải vào cuộc, phải hành động để đạt được mục tiêu đề ra”, ông Cường nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Đại biểu Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu vẫn có nhiều khó khăn, tháng 1 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.

“Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nếu không đặt ra mục tiêu buộc phải thực hiện thì sẽ không tạo ra sức ép, quyết tâm đồng bộ của tất cả các bộ phận”, ông Cường cho hay.

Khơi thông điểm nghẽn, phát huy tiềm năng

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP HCM, với tiềm năng và tiềm lực của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng thì hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng trên hai con số.

Tuy vậy, từ trước tới nay, tăng trưởng của Việt Nam luôn được xem dưới mức tiềm năng, chủ yếu là các địa phương chưa tăng trưởng tương xứng, còn trì trệ, thiếu chủ động, thiếu tích cực trong động viên mọi nguồn lực vào tăng trưởng. Vì vậy, dù có tăng trưởng nhưng không như mong muốn.

“Yêu cầu thì có, đường lối cũng có, nếu như Chính phủ và cơ quan quản lý tốt và có nhiều chính sách khơi thông được điểm nghẽn và phát huy được tiềm năng, tiềm lực đang bị cản trở hoặc bị bỏ quên thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP HCM. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP HCM. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Về động lực tăng trưởng, ông Nghĩa cho biết việc tinh giản biên chế sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, qua đó dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội, tạo trợ lực cho tăng trưởng.

Cùng với đó, Đảng và Nhà nước cũng đã nhận thức rất trúng là đất nước không thể tiếp tục phát triển như cũ - là động lực lực lớn để ngoài tiếp tục thúc đẩy các động lực truyền thống (tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư) thì cần phải tranh thủ được thời cơ của khoa học cộng nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra được sự bứt phá trong tăng trưởng.

Trong khi đó, để địa phương có trách nhiệm và thực sự khai thác được các lợi thế, những tiềm năng cũng như duy trì nhịp độ tăng trưởng cần làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của các địa phương. Tuy vậy, cũng cần cụ thế hóa những cơ chế đặc thù để lãnh đạo địa phương có đủ thẩm quyền và tự tin để dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Thực tế, trong những năm vừa qua, dù có nghị quyết đặc thù nhưng khi các địa phương gặp vấn đề ách tắc, không biết làm thế nào cho đúng, song Trung ương vẫn trả lời "làm đúng theo quy định và không vi phạm pháp luật" thì đây sẽ là một điểm nghẽn mục tiêu tăng trưởng

“Có những việc theo cơ chế song có những việc là chưa rõ ràng lại phải hỏi lại, các cơ quan trung ương là nơi soạn thảo các đạo luật thì có trách nhiệm giải đáp và giải trình cho các địa phương yên tâm thực hiện”, ông Nghĩa nêu rõ.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, chưa bao giờ, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng hai con số. Nếu tính từ năm 1990 trở lại đây, thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5%, năm 1996 đạt 9,3%.

Trong khi đó, với quy mô kinh tế hiện nay, về mặt lý thuyết khó có thể tăng trưởng GDP cao được, trừ trường hợp có đột phá lớn hoặc có động lực tăng trưởng mới để khai thác. Còn nếu dựa vào tăng trưởng truyền thống thì rất khó.

Vì vậy, để đạt mục tiêu đặt ra, ông Tuấn cho phải rà soát lại và tận dụng tất cả những dư địa còn lại của các động lực truyền thống; tập trung khai thác các trụ cột mới như kinh tế số, khoa học đổi mới sáng tạo; và rà soát trong chuyển đổi xanh có nhiều cái phải tăng chi phí nhưng sẽ giúp cho tăng trưởng bền vững.

“Hiện các trụ cột cũ vẫn còn dư địa, các trụ cột mới chưa khai tác hết nên sẽ phải có giải pháp phù hợp để khai thác các nhóm trụ cột này”, ông Tuấn nêu rõ.

Cũng theo ông, ngoài thúc đẩy các địa phương còn dư đia tăng trưởng trên hai con số, thì các đầu tàu kinh tế cả nước như Hà Nội, TP HCM để đạt được tăng trưởng cao đòi hỏi phải có thông thoáng về tư duy và sau đó là thể chế chính sách tạo ra đột phá giải phóng lực lượng sản xuất.

"Từ đó có sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vào quá trình chuyển đổi số và phát huy được động lực mới thì mới đạt được tăng trưởng cao", vị chuyên gia này tin tưởng.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận vào chiều các ngày 14,15/2 và xem xét biểu quyết thông qua vào ngày 19/2.

Ngọc Bảo

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nang-muc-tieu-tang-truong-gdp-tren-8-se-tao-suc-ep-va-dong-bo-trong-thuc-day-phat-trien-kinh-te.html