Nắng như thiêu đốt, người dân làng rèn vẫn miệt mài đập đe bên bếp lửa
Những ngày qua, Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ thực tế ngoài trời lên đến gần 50 độ C, tại các lò rèn nóng như thiêu đốt, nhưng những người giữ lửa làng rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông) vẫn bất chấp mưu sinh bên bếp lửa.
Làng rèn Đa Sỹ cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Dọc khắp những con đường quanh co dẫn vào làng, tiếng đe, tiếng búa thi nhau vang lên chan chát, những âm thanh đó là minh chứng cho sự tồn tại bền bỉ của làng nghề rèn nổi tiếng có lịch sử trăm năm.
Theo sử sách, trước đây làng có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ, và cuối cùng làng được đổi là Đa Sỹ từ giữa thế kỷ 18. Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Làng Đa Sỹ là nơi sản sinh ra 11 tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám.
Ngoài trời thời tiết nóng như thiêu đốt cùng với nhiệt độ hừng hực tỏa ra từ lò rèn, bếp nung và những thanh sắt nóng, khiến những xưởng rèn giống như “lò bát quái”, thế nhưng người dân vẫn miệt mài công việc dưới thời tiết khắc nghiệt.
Anh Bùi Bắc (33 tuổi, trú tại làng rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông) cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều thế hệ làm nghề rèn, từ đời này truyền lại cho đời sau, công việc tuy có vất vả, quanh năm tiếp xúc với hơi than độc hại, nhất lại là trong những thời tiết nóng bức như thế này, nhưng vì yêu nghề nên chúng tôi không ngại khó khăn, công việc này cũng giúp chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định”.
Cô N.T.Bảy (42 tuổi, trú tại làng rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông) chia sẻ: “Ở đây phụ nữ hầu như biết làm nghề rèn hết, tôi từ nhỏ đã theo bố mẹ để phụ giúp công việc, chủ yếu làm thủ công là chính. Những ngày nắng nóng như thế này thì năng suất công việc giảm, vì nhiệt độ cao khiến cơ thể mệt hơn, vất vả hơn những ngày thường”.
Những người sinh sống tại làng rèn Đa Sỹ đa số đều biết rèn dao, liềm, cuốc,.. từ lúc còn nhỏ. Vì chủ yếu làm thủ công nên tính cần mẫn, khéo léo của người thợ rèn nơi đây đã làm nên các sản phẩm được nhiều nơi ưa chuộng, dẫu chỉ dừng lại ở những nông cụ quen thuộc, như dao, liềm, cuốc, thế nhưng sản phẩm nơi đây không chỉ cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước mà còn xuất sang thị trường các nước láng giềng.