Nâng niu hồn dân tộc
Với đam mê và sáng tạo của người trẻ, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đang từng bước hồi sinh và chuyển mình cùng đời sống đương đại. Không ồn ào, chạy theo hình thức, người trẻ đã có những cách tiếp cận rất riêng để lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ cùng trang lứa. Và khi người trẻ vẫn yêu thích văn hóa dân gian, chúng ta có quyền tự tin rằng, những giá trị truyền thống, cổ xưa luôn có vị trí trong lòng mỗi người và chắc chắn sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa.
Nghe người trẻ hát then
“Mời bạn về thăm Bình Phước quê tôi/Thăm thành phố Đồng Xoài non trẻ…” - câu then hát về tình yêu quê hương, đất nước được các thành viên Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp cất lên với niềm tự hào lớn lao. Dưới những ngọn điều xanh non, từng câu hát vang lên trong trẻo như mời gọi bạn bè tới quây quần bên nhau cùng ca hát, múa vui, chào đón năm mới hạnh phúc và bình an. Tham gia bài hát, bên cạnh sự có mặt của 10 “cao niên” còn có sự góp mặt của 7 thanh niên trong ấp. Sự chững chạc trong tiếng hát của người lớn tuổi xen lẫn tiếng hát còn “mới” của người trẻ đã mang đến nét riêng cho loại hình văn hóa dân tộc này.
Là loại hình diễn xướng âm nhạc mang âm hưởng tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, đồng thời đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đàn tính, hát then luôn được đồng bào Tày, Nùng trân quý và xem như báu vật. Lo sợ rằng loại hình này sẽ bị mai một theo thời gian, lớp trẻ của ấp đã mạnh dạn tham gia sinh hoạt cùng các thành viên CLB đàn tính, hát then ấp Sóc Nê, dù rằng việc tiếp cận sẽ còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Chị Đàm Thị Hoài, Phó bí thư Đoàn xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp cho biết: Bất cứ dân tộc nào cũng có một điệu nhạc riêng của mình. Khi cha ông đã bảo tồn được rồi thì việc lan tỏa đòi hỏi vai trò của lớp trẻ rất nhiều. Bởi thế hệ trước muốn dạy mà thế hệ sau không chịu học thì coi như thất bại. Chúng tôi sẽ cố gắng để đưa loại hình văn hóa dân gian của mình tham gia các hội thi, lễ, hội để lan tỏa mọi người cùng tham gia.
Chị Nông Thị Thu Hà là một trong những thành viên CLB. Là người con dân tộc Tày, điệu then đã ăn sâu vào máu thịt, nhưng làm thế nào để hát hay hơn, chơi điêu luyện hơn là điều chị Hà mong muốn học hỏi. Tham gia CLB, chị Hà có cơ hội để các bậc nghệ nhân đi trước truyền dạy cách lấy hơi, nhả chữ. Đó cũng là cách để chị tìm thêm cho mình các bài then cổ, truyền thống của dân tộc.
Giới trẻ bây giờ có nhiều sự lựa chọn như nhảy, khiêu vũ. Tôi cũng yêu thích nhạc hiện đại nhưng với đàn tính, hát then, đó là đam mê không bỏ được. Ngày xuân, được chơi các trò chơi truyền thống, được hát một câu then, gõ một nhịp đàn tính, đó không chỉ thể hiện tình yêu quê hương mà còn là cách để chúng tôi lưu giữ giá trị văn hóa của đồng bào mình.
Chị Nông Thị Thu Hà, thành viên CLB đàn tính, hát then ấp Sóc Nê
Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát then nói riêng, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, họ chính là các di sản "sống” trong việc lưu giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Năm nay, các thành viên CLB đàn tính, hát then ấp Sóc Nê lại cùng nhau tụ họp, được nghe thế hệ trước và thế hệ sau cùng hát then và tổ chức nghi lễ chào đón năm mới, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Điều đó khẳng định rằng, những làn điệu then là nét văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn đang được lưu truyền, gìn giữ trong nhịp sống hiện đại.
Như mạch nguồn chảy mãi…
Xuân về, được nghe các thành viên “nhí” của CLB Đồng Thanh quán, thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập hát, mọi người sẽ cảm nhận được tiếng gõ nhịp song lang đã làm say đắm thế hệ nhí này như thế nào. Bà Huỳnh Thị Đồng, Chủ nhiệm CLB Đồng Thanh quán cho biết: Ban đầu, CLB mở ra chủ yếu để tôi và những người yêu đờn ca tài tử có địa điểm sinh hoạt. Ngờ đâu, ngoài tôi rồi đến các con và bây giờ là các cháu mê bộ môn này quá. Một cháu mê thì không nói gì, cả 14 cháu đều mê quá thì mình cũng tạo điều kiện cho các cháu đi học, được đi giao lưu đây đó cho có với người ta.
Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể, đó chính là sự nỗ lực bảo tồn của nhiều thế hệ đi trước. Mê đờn ca tài tử không chỉ là sở thích của em mà còn là trách nhiệm của thế hệ trẻ để làm “sống” lại các loại hình âm nhạc truyền thống giữa cuộc sống đương đại.
Em Phạm Ngọc Sơn, CLB Đồng Thanh quán
Khoác lên mình bộ áo đẹp nhất, chọn 1 bài hát hay nhất, ngày xuân với Đồng Thanh quán, đó là được cùng nhau cất lên bài hát chào năm mới, với hy vọng mang nhiều niềm vui và may mắn cho mọi người. Bài hát “Câu chúc đầu xuân” được thể hiện với 3 thế hệ thành viên trong CLB, trong đó có Phạm Thị Ngọc Hân, 14 tuổi, tham gia với vai trò là người ca; còn Phạm Ngọc Sơn, 15 tuổi, chơi nhạc cụ đàn ghi ta. Dòng nhạc dân tộc như cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử vốn khó hát nhưng qua tiếng hát của các em, tất cả đều cảm nhận sự ngọt ngào, từng câu hát như một lời chào, mời mọi người đến thăm quê hương Bình Phước yên bình.
Có đam mê và được rèn luyện từ nhỏ, ngoài biết ca Hân còn chơi được các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu. Yêu đờn ca tài tử và mong muốn được lan tỏa dòng nhạc này đến với nhiều người, Hân cũng là gương mặt thường xuyên tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử, biệt tài tí hon… Hân chia sẻ: Em nghĩ dòng nhạc nào cũng có những nét riêng và đặc biệt. Từ nhỏ em đã nghe đờn ca tài tử và đã yêu thích ngay từ đó. Đờn ca tài tử rất khó hát nhưng khi làm quen rồi “ghiền” lắm, những câu từ mang âm hưởng quê hương hay tâm tình của mỗi người… được người xưa gửi gắm kết hợp với các nhạc cụ tạo nên một bản sắc khó lẫn.
Văn hóa Việt vốn đa dạng và là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Khi người trẻ trở về với đam mê nghệ thuật dân gian, đó chính là cách để họ bày tỏ tình yêu với những nét tinh hoa, tinh túy của “hồn” dân tộc. Bằng sự sáng tạo của mình, thế hệ trẻ đã biết cách kết hợp giữa nét đẹp truyền thống với nét đẹp hiện đại, qua đó không chỉ khẳng định cá tính riêng của mình mà còn là cách để mọi người thấy họ không hề lãng quên các giá trị văn hóa của dân tộc.
Khi trong trái tim của những người trẻ tha thiết với đờn ca tài tử, với đàn tính, câu then, chúng ta sẽ vững niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Như mạch nguồn chảy mãi…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130141/nang-niu-hon-dan-toc