Nắng nóng, coi chừng đột quỵ ở người già

Cơ thể con người có cơ chế thích nghi điều chỉnh ở ngưỡng nhiệt độ từ 20-30 độ C. Khi nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, người lớn tuổi thích nghi kém nên dễ bị đột quỵ hơn người trẻ

Thời tiết nắng nóng, người già rất dễ bị đột quỵ, nhất là với những người có bệnh nền mạn tính. Theo thống kê, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè. Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Theo các chuyên gia, đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời từ 32 độ C trở lên.

Bất ngờ khi bị đột quỵ

Bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) - cho biết những ngày gần đây, số người nhập viện vì đột quỵ tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Uyên lý giải năm ngoái, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người ngại không dám đến bệnh viện.

Bà V.T.T.L (73 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) nhập viện trong tình trạng huyết áp rất cao, tay liệt 1 bên, chân không nhấc được và bị méo miệng. Người nhà rất bất ngờ vì trước khi bị đột quỵ, bà L. gần như không có dấu hiệu gì, chỉ thấy mệt hơn do trời nắng nóng.

"Trước đó, mẹ tôi huyết áp cao có dùng thuốc ổn định, sau đó không uống thuốc duy trì. Bên cạnh đó, chỉ hơi đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, những ngày gần đây, thời tiết thay đổi bất thường có hơi mệt, khó thở nhưng cứ nghĩ đó là những triệu chứng bình thường nên không để ý. Chỉ đến khi phát hiện mẹ bị yếu liệt tay, đưa vào bệnh viện thì được chẩn đoán đột quỵ" - chị L.T.T.P, con gái bà L., cho biết.

Ông N.V.L (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng nghĩ mình bị trúng gió nên chỉ cạo gió rồi nghỉ ngơi tại nhà. Chỉ đến khi ông bị méo miệng, vợ ông mới hốt hoảng đưa chồng đến Bệnh viện quận Tân Bình cấp cứu. Sau khi được chẩn đoán đột quỵ, ông L. được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục điều trị.

Bà V.T.T.T, vợ ông L., cho biết khi bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ, cả gia đình đều bất ngờ và lo lắng. Bởi trước đó, ông L. bị bệnh tiểu đường, suy tim và có uống thuốc định kỳ mỗi tháng nên sức khỏe ổn định.

Theo bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đều không nghĩ mình bị đột quỵ. Chỉ đến khi được chẩn đoán và bác sĩ tư vấn các triệu chứng mới nhớ lại bản thân đã từng cảm thấy nhưng bỏ qua.

Bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ

Bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ

Nắng nóng - yếu tố tăng nặng các bệnh lý

Bác sĩ Uyên cũng nhấn mạnh thời tiết nắng nóng không là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ nhưng lại là yếu tố khiến các bệnh lý khác liên quan đến đột quỵ trầm trọng hơn. Nguy hiểm hơn, nếu không sớm nhận biết và khắc phục, người lớn tuổi sẽ đối mặt với đột quỵ ngay cả khi sức khỏe vẫn bình thường.

"Với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, khiến những bệnh nhân dễ đột quỵ xuất hiện những triệu chứng bất ngờ, dẫn đến các bệnh lý cấp tính như sốt, sốc nhiệt. Chính các bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến việc dùng thuốc phòng ngừa đột quỵ, đơn cử như việc quên dùng thuốc chống cao huyết áp. Rất nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc chống cao huyết áp" - bác sĩ Uyên thông tin.

Theo bác sĩ Uyên, điều quan trọng nhất người bệnh phải ổn định huyết áp bằng cách uống thuốc thường xuyên. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải theo dõi huyết áp, giữ chỉ số huyết áp ổn định, có chế độ ăn hợp lý, giảm mặn, giảm muối; đồng thời phải vận động, tập thể dục.

Bác sĩ Uyên cũng lưu ý khi thời tiết thay đổi thất thường sẽ gây ra một số bệnh ở người lớn tuổi. Ví dụ, với người mắc bệnh huyết áp, nắng nóng khiến cơ thể khó chịu, mất ngủ dẫn đến huyết áp không ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng mất nước nếu không uống đủ nước khiến bệnh nhân bị hẹp mạch máu não ảnh hưởng tới quá trình tưới máu não dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, với các bệnh nhân có bệnh lý về phổi, nhiệt độ không ổn định cũng là nguyên nhân khởi phát đột quỵ cấp tính.

"Nếu sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng thường sẽ đổ nhiều mồ hôi, khô nóng, mất nước, chóng mặt đau đầu; nặng hơn nữa sẽ co giật, hôn mê. Lúc này, cần cấp cứu hạ thân nhiệt bằng cách nới lỏng quần áo, mặc đồ thoáng mát, quạt và đắp khăn cho thoát nhiệt, nếu tỉnh táo thì uống thêm nước và nhập viện khi bệnh nhân có tình trạng tăng nặng. Người lớn tuổi nên tránh ra ngoài vào thời điểm nắng nóng và quan trọng nhất là uống đủ nước" - bác sĩ Uyên nói.

Bác sĩ Tạ Vương Khoa - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) - cho biết tại bệnh viện không có thống kê riêng người nhập viện do thời tiết. Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng 30%-50% so với thời tiết ổn định. "Nắng nóng gây ra nhiều bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh về hô hấp, da, tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ... Trong đó, các bệnh liên quan đến mạch máu (đột quỵ, tim mạch) thường rất nặng nên được quan tâm nhiều hơn các bệnh lý khác" - bác sĩ Khoa nói.

Lý giải nguyên nhân gây đột quỵ khi nắng nóng, bác sĩ Khoa cho biết cơ thể con người có cơ chế thích nghi điều chỉnh ở ngưỡng nhiệt độ từ 20-30 độ C. Do đó, khi nhiệt độ tăng cao, người lớn tuổi thích nghi kém nên dễ phát bệnh hơn người trẻ.

"Để phòng ngừa, cách tốt nhất là hạn chế tối đa thay đổi đột ngột môi trường. Ví dụ khi đi từ nắng vào không nên vào phòng máy lạnh. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến mạch máu co thắt, huyết áp tăng dẫn đến các bệnh lý về đột quỵ và tim mạch" - bác sĩ Khoa lý giải.

Nên và không nên làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ

Bác sĩ Tạ Vương Khoa nêu một số dấu hiệu nhận biết sớm của đột quỵ như méo miệng; yếu liệt tay chân, nửa người; giọng nói thay đổi, nói đớ... "Khi đột quỵ, bệnh nhân có nguy cơ nuốt sặc nên lúc này không nặn chanh, nặn cam hoặc uống nước. Bên cạnh đó, không cạo gió. Việc cần làm là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ cấp" - bác sĩ Khoa nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nang-nong-coi-chung-dot-quy-o-nguoi-gia-20220527192431326.htm