Nắng nóng và biến đổi khí hậu
Ngày 15.6, Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của châu Âu vừa cho biết, nhiệt độ trung bình tháng 6 toàn cầu đã ở mức cao nhất trong lịch sử. Cơ quan này cũng dự báo, năm 2023 nhiều khả năng là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó không còn chỉ là khẩu hiệu, mà cần cụ thể hóa thành hành động chính sách ở mọi cấp độ.
Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus là một sáng kiến chung của Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF) và Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu Âu (JRC). Tổ chức này cung cấp dữ liệu và phân tích về hệ thống khí hậu của trái đất, bao gồm các bản ghi nhiệt độ toàn cầu và khu vực. C3S dự báo năm 2023 có thể là năm nóng nhất, với nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,14 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là năm thứ sáu liên tiếp nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình của thế kỷ XX. Riêng trong tháng 6 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt mức nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp 1,5 độ C. Như vậy, ngưỡng 1,5 độ C - mức giới hạn tham vọng nhất về gia tăng nhiệt độ toàn cầu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã bị vượt qua.
Biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt; nhiều năm đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng. Đợt nắng nóng ở châu Âu trong tháng 7 năm ngoái được ghi nhận là gay gắt nhất với nhiệt độ lên tới 45 độ C ở một số khu vực của châu lục này. Hạn hán ở miền tây Hoa Kỳ là đợt khô hạn nhất từng được ghi nhận và các vụ cháy rừng ở California có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử tiểu bang.
Các nhà khoa học khẳng định khí hậu trái đất tiếp tục ấm lên, chúng ta có thể thấy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai; không chỉ vậy, các hệ quả lớn hơn còn bao gồm nước biển dâng, sự đe dọa đối với đời sống của loài động vật, thực vật, và bùng phát dịch bệnh.
Cụ thể, các chỏm băng và sông băng trên Trái đất tan chảy, mực nước biển đang dâng lên. Đây là mối đe dọa đối với các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới. Tốc độ tan băng ở vùng cực đang được ghi nhận ở mức độ kỷ lục và các đảo quốc vùng Thái Bình Dương đang gánh chịu các hệ quả rõ rệt từ nước biển dâng.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi trong đời sống thực vật và động vật; một số loài đang di chuyển đến các khu vực mới khi môi trường sống của chúng trở nên quá nóng hoặc khô; nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa bởi hiểm họa tuyệt chủng.
Biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn, điều này là do nhiệt độ ấm hơn và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn có thể tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của dịch bệnh.
Đợt nắng nóng với mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận ở Việt Nam, đi kèm là lượng mưa thấp kỷ lục khiến sông hồ khô cạn, cho thấy Việt Nam dễ bị tổn thương thế nào trong biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 6 vừa rồi cho thấy hệ quả của biến đổi khí hậu gây ra đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống mỗi người dân.
Do đó, Việt Nam cần tăng tốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như cần đóng vai trò tích cực và trách nhiệm hơn trong nỗ lực của toàn cầu. Trong ngắn hạn, giám sát chặt chẽ phát thải khí nhà kính; thực hiện các chương trình giảm phát thải và nhanh chóng thực hiện thị trường mua bán tín chỉ carbon cần phải là ưu tiên của Bộ tài nguyên và Môi trường.
Hành động gấp rút, ở mọi cấp độ chính sách - rõ ràng không phải là kêu gọi mà là nhiệm vụ chính trị cấp bách hiện nay.