Nâng tầm công nghiệp văn hóa TP.HCM: Bứt phá từ điện ảnh và sân khấu
Thông qua Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, TP.HCM đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa.
LTS: TP.HCM sau 50 năm đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Công nghiệp văn hóa đang là động lực tăng trưởng mới và đang rất cần chính sách đột phá trong thời gian tới. Loạt bài “Nâng tầm công nghiệp văn hóa TP.HCM” góp phần nhận diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp để lĩnh vực này ghi dấu ấn hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của TP.
TP.HCM đã ban hành Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Theo đó, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn được xác định là hai trong tám lĩnh vực mũi nhọn, có sức ảnh hưởng lớn và tiềm năng bứt phá trong giai đoạn tới của TP.HCM.
Nhiều phim doanh thu trăm tỉ xuất hiện
Tại buổi tọa đàm góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, lĩnh vực điện ảnh hồi tháng 2-2025, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), nhận định việc lựa chọn điện ảnh làm ngành mũi nhọn là một bước đi chiến lược. Bởi điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật tổng hợp, tạo ra sự kết nối hữu cơ với các ngành như văn học, âm nhạc, thiết kế, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống và kiến trúc.
“Điện ảnh không chỉ sản sinh giá trị tinh thần, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết cộng đồng, mà còn mang lại đóng góp kinh tế rõ nét vào GRDP của TP.HCM” - TS Hòa nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở VH&TT TP.HCM, tính đến cuối tháng 10-2023, TP hiện có 17.670 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% tổng số DN toàn thành.

Mai của đạo diễn Trấn Thành đang là phim điện ảnh đứng đầu về mặt doanh thu. Ảnh: ĐPCC
Riêng lĩnh vực điện ảnh, TP.HCM ghi nhận 935 DN đang hoạt động, thu hút hơn 9.200 lao động, tạo ra doanh thu ấn tượng khoảng 500 triệu USD, đóng góp 0,43% vào GRDP.
Không chỉ mạnh về số lượng, hệ sinh thái điện ảnh của TP.HCM cũng ngày càng hoàn thiện, với 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp và tổng cộng 295 phòng chiếu phủ khắp các quận, huyện.
TP còn là cái nôi sản sinh ra nhiều phim ăn khách, liên tục thiết lập những cột mốc doanh thu đáng nể với những bộ phim trăm tỉ được công chiếu gần đây: Bố già, Mai, Nhà bà Nữ, Bộ tứ báo thủ, chuỗi phim Lật mặt...
Tháng 3-2025, TP.HCM đã nộp hồ sơ tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP sẽ trở thành TP điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình nâng tầm công nghiệp điện ảnh của TP.
Song hành cùng thị trường thương mại sôi động, TP.HCM còn là điểm hẹn uy tín của những sự kiện điện ảnh quốc tế như Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) và các liên hoan phim ngắn, góp phần đưa các nhà làm phim trong nước và quốc tế đến gần hơn với TP năng động này.
Từ những tín hiệu đầy hứng khởi này, TS Hòa kỳ vọng: “Điện ảnh sẽ trở thành động lực bền vững thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại TP.HCM. Xa hơn nữa, đây cũng chính là cơ hội để TP xây dựng thương hiệu, vươn mình thành trung tâm sáng tạo hàng đầu khu vực trên bản đồ điện ảnh toàn cầu”.
Concert thương mại bùng nổ, khán giả chịu chi
Không kém phần ấn tượng trong bức tranh công nghiệp văn hóa là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp biểu diễn tại TP.HCM.
Từ cuối năm 2024 đến nay, TP liên tiếp chứng kiến những concert quy mô lớn, thu hút hàng chục ngàn khán giả, mở ra kỳ vọng về một thị trường biểu diễn thật sự vận hành theo hướng công nghiệp.
Dẫn đầu là hai chương trình bước ra từ truyền hình thực tế: Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi. Concert đầu tiên của Anh trai vượt ngàn chông gai đã thu hút gần 20.000 khán giả tham gia, Anh trai say hi đạt khoảng 15.000 người. Đặc biệt, đêm diễn thứ ba của Anh trai vượt ngàn chông gai ghi nhận 45.000 khán giả trực tiếp, hơn 150.000 lượt người đổ về khu vực tổ chức trong hai ngày.
Đáng chú ý là sự kết hợp giữa concert và điện ảnh khi đợt mở bán vé công chiếu của bộ phim điện ảnh Anh trai vượt ngàn chông gai the movie vừa công bố mở bán đã lập tức cháy vé chỉ trong vòng… 1 phút - chính thức ghi danh dự án này vào danh sách những sự kiện điện ảnh “nóng bỏng” nhất năm 2025.
Bên cạnh đó, các concertcủa nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Vũ, Phương Mỹ Chi… cũng liên tục cháy vé, góp phần khẳng định sức hút của sân khấu biểu diễn nói riêng và công nghiệp văn hóa TP.HCM nói chung.

Concert Anh trai vượt ngàn chông gai thu hút lượng khán giả đông đảo cho thấy triển vọng của nền công nghiệp biểu diễn TP.HCM. Ảnh: BTC
Bà Ngô Vân Hạnh, nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai, cho hay khán giả Việt đang chuyển dịch mạnh mẽ từ vai trò người xem thụ động sang những người hâm mộ chủ động. Họ tích cực tham gia toàn bộ hành trình trải nghiệm “văn hóa fandom”. Tức là họ không chỉ săn vé quyết liệt mà còn chủ động mặc trang phục theo chủ đề, góp mặt trong các hoạt động tập thể và tạo ra làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội sau sự kiện.
“Xu hướng này đòi hỏi các nhà tổ chức không thể chỉ bán vé mà phải thiết kế trải nghiệm - chăm sóc người hâm mộ từ trước, trong và sau concert” - bà Hạnh nói.
Hơn nữa, nhu cầu ngày càng cao về concert độc đáo, chất lượng cũng phản ánh rõ làn sóng toàn cầu của “kinh tế trải nghiệm” - nơi người tiêu dùng không chỉ mua một sản phẩm (âm nhạc) mà chi tiền cho những kỷ niệm đáng nhớ và kết nối cảm xúc xã hội.
“Điều này mở ra cơ hội lớn để tối ưu hóa doanh thu thông qua thiết kế các gói vé đa tầng, quyền lợi trải nghiệm khác biệt, dịch vụ phụ trợ tại sự kiện và hệ sinh thái vật phẩm lưu niệm - tất cả đều góp phần đưa ngành biểu diễn tiến gần hơn đến chuẩn công nghiệp” - bà Hạnh nhấn mạnh.
Trước đó, TP.HCM cũng tiên phong tổ chức các sự kiện âm nhạc cộng đồng theo mô hình hiện đại. Nổi bật là Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò dô, sự kiện phi lợi nhuận do TP chủ trì và kết hợp cùng các đơn vị tư nhân.
Đơn cử, phiên bản Hò dô 2024 quy tụ 250 nghệ sĩ trong và ngoài nước, mang đến những bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp quốc tế, hoàn toàn miễn phí cho khán giả.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc Hò dô, nhận định không chỉ dừng ở biểu diễn, Hò dô còn tạo ra giá trị bền vững, nuôi dưỡng tài năng trẻ, truyền tải thông điệp tích cực về môi trường và văn hóa sống.
“TP.HCM từ lâu đã là thủ phủ âm nhạc của cả nước, nơi các nghệ sĩ hàng đầu chọn làm không gian hoạt động. Các công ty tổ chức biểu diễn, cung cấp thiết bị công nghệ đều tập trung tại đây. Nếu hình thành một ngành công nghiệp biểu diễn thực sự thì nơi khởi nguồn chắc chắn là TP.HCM” - nhạc sĩ Huy Tuấn kỳ vọng.
Kỳ tới: Thách thức lớn đối với công nghiệp văn hóa TP.HCM
Mục tiêu của đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Ngày 25-10-2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 4853, phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án: Đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa TP đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm, đóng góp 5,7% vào GRDP. Đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng khoảng 12%/năm, đóng góp 7%-8% vào GRDP. Tổng doanh thu từ tám ngành công nghiệp văn hóa ước tính đạt khoảng 148.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, TP.HCM hướng tới trở thành Trung tâm công nghiệp văn hóa Đông Nam Á và gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Với ngành điện ảnh, TP.HCM sẽ: Hỗ trợ phát triển các dự án phim mang đậm bản sắc văn hóa TP; xây dựng hệ thống không gian sáng tạo, tổ chức các liên hoan phim như Liên hoan phim ngắn TP.HCM, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM; đẩy mạnh hợp tác sản xuất, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, quảng bá phim Việt ra thế giới; nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển điện ảnh.
Đối với nghệ thuật biểu diễn, TP tập trung: Đẩy mạnh các chương trình giao lưu nghệ thuật với ASEAN và quốc tế; phát triển nghệ thuật đường phố, các mô hình nghệ thuật truyền thống như ca múa nhạc, cải lương, hát bội, xiếc, múa rối; xây dựng thương hiệu qua các liên hoan, lễ hội nghệ thuật quy mô lớn như Hò dô music Festival, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội đường phố…
Nguồn PLO: https://plo.vn/but-pha-tu-dien-anh-va-san-khau-post847891.html