Nâng tầm di tích quốc gia Đồng Đậu

Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được ví như một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước. Tuy nhiên, cho đến nay, di tích này chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. Trước thực tế đó, tỉnh đang xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa của tỉnh.

Đề án Bảo tồn và phát huy di tích Đồng Đậu được triển khai sẽ góp phần nâng tầm và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đưa Đồng Đậu trở thành điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn của huyện Yên Lạc nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Ảnh: Trà Hương

Đề án Bảo tồn và phát huy di tích Đồng Đậu được triển khai sẽ góp phần nâng tầm và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đưa Đồng Đậu trở thành điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn của huyện Yên Lạc nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Ảnh: Trà Hương

Di tích khảo cổ học Đồng Đậu thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, được phát hiện tháng 2/1962. Gò Đồng Đậu có diện tích khoảng 86.000 m2. Từ khi được phát hiện tới nay, di tích Đồng Đậu đã qua 7 lần khai quật với diện tích 802m2.

Kết quả nghiên cứu, khai quật cho thấy Đồng Đậu là di tích quý hiếm, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm, chứa đựng và lưu tồn dấu tích của 4 giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Đây là di tích khảo cổ có quy mô lớn nhất trong số các di tích khảo cổ đã biết trên vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Các hiện vật thu được phong phú, đa dạng về chất liệu, số lượng và kiểu dáng, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu một cách toàn diện về đời sống kinh tế, xã hội của người Việt cổ, quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Mặc dù các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, song đến nay, di tích vẫn chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm để phát triển du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ di tích chưa được thực hiện chặt chẽ. Các lớp đất của di tích bị đào xới do hoạt động canh tác; chân gò bị xói lở do các hiện tượng thiên nhiên và một số hoạt động dân sinh.

Tình trạng chôn cất mộ hiện đại, trồng cây lâu năm, đào giếng, tạo đường đi, giao đất đấu thầu thuộc phạm vi thềm bảo vệ làm hư hại tới di tích. Công tác bảo quản các hố khai quật, các di vật phát hiện tại di tích chưa được thực hiện bài bản, khoa học. Việc đầu tư, quy hoạch di tích gắn với không gian văn hóa vùng phụ cận, với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa hiệu quả…

Mặc dù là di tích khảo cổ học có quy mô lớn, mang nhiều giá trị về dân tộc học, lịch sử, văn hóa, song đến nay, Đồng Đậu chủ yếu được biết đến trong phạm vi của các nhà nghiên cứu, phục vụ cho các đợt thám sát, khai quật khảo cổ, nghiên cứu lịch sử và khoa học chuyên ngành, chưa được nhân dân và du khách biết tới với vai trò là địa điểm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa bản địa buổi đầu dựng nước.

Để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách tổng thể, toàn diện, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu giai đoạn 2025 - 2035 và những năm tiếp theo.

Đề án đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch, khoanh vùng, cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích; nghiên cứu, khai quật khảo cổ học di tích lần thứ 8; bảo tồn tại chỗ hố khai quật ngoài trời phục vụ khách tham quan; xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa dữ liệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích Đồng Đậu; xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ nâng cấp xếp hạng di tích khảo cổ Đồng Đậu thành di tích Quốc gia đặc biệt; tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh, xây dựng phim tài liệu khoa học, lập website, tổ chức trưng bày chuyên đề về di tích; khai thác và đưa vào hoạt động tour, tuyến du lịch tham quan di tích Đồng Đậu và các di tích, danh thắng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2030 - 2035, hoàn thành xây dựng hạ tầng khu di tích gồm công viên cây xanh, nhà trưng bày phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập; biên soạn, xuất bản 2 - 4 bộ sách giới thiệu về giá trị của di tích; tổ chức 5 cuộc trưng bày giới thiệu giá trị di tích Đồng Đậu ở trong nước và quốc tế; tổ chức 3 lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Đề án được triển khai sẽ góp phần đưa Đồng Đậu trở thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quan trọng bậc nhất về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào lịch sử dân tộc; kết nối với các điểm di tích lịch sử - văn hóa thành một chuỗi tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128667//nang-tam-di-tich-quoc-gia-dong-dau