Nâng tầm giá trị các sản phẩm địa phương
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, có sự đa dạng của khí hậu, thổ nhưỡng là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở định hướng, mục tiêu tại Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và điều kiện thực tế của tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 10 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao; duy trì, củng cố 100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã (HTX), 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị (đối với sản phẩm nông sản) theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…). Phấn đấu có thêm 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Nông Thanh Mẫn cho biết: Để nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, Thành phố tăng cường quán triệt, tuyên truyền về việc thực hiện chương trình, thay đổi nhận thức của chủ thể sản xuất và nhân dân trong sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tập trung chỉ đạo và định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, không làm theo phong trào. Trọng tâm là hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết và đẩy mạnh quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường.
Đặt xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền về Chương trình OCOP như: xây dựng video clip quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm OCOP tỉnh phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng, phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa danh sách thông tin các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Postmart. Thường niên tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP hoặc lồng ghép nội dung trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP trong các sự kiện, lễ hội trên địa bàn tỉnh để các chủ thể tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm. Chỉ đạo, định hướng cho các chủ thể OCOP kết nối với các siêu thị, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch… trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ.
HTX nông sản sạch Tân Việt Á là 1 trong những HTX đi đầu trong thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư cải tiến kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP. Giám đốc HTX nông sản sạch Tân Việt Á Trần Văn Hiếu cho biết: Các công đoạn sản xuất miến dong như đánh bột, ép miến, cán sợi… thay vì làm thủ công thì giờ đây tất cả quy trình đều được HTX tự động hóa bởi dây chuyền máy móc hiện đại. Ngoài ra, sản phẩm miến dong của HTX được đầu tư mẫu mã, bao bì bắt mắt và đươc quảng bá, đưa vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada… Nhờ hoàn thiện về quy trình sản xuất hàng hóa nên sản phẩm miến dong Tân Việt Á được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, dần khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết, kết nối đưa sản phẩm đi một số nước như Nga, Úc, Hàn Quốc…
Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 88 sản phẩm đạt 3 sao của 67 chủ thể gồm 22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh. Chương trình có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh với những chuyển biến tích cực từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nguyên liệu thô sang xây dựng thương hiệu riêng, chú trọng việc nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm tiện dụng, đúng quy định, nâng cao được giá trị sản phẩm và tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP sau khi có chứng nhận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng và đánh giá cao, gia tăng được giá trị, thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được phân phối, tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm OCOP như: Lạp sườn, thịt hun khói của HTX Tâm Hòa, miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản sạch Tân Việt Á, lục trà và hồng trà của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, gạo nếp Hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm, thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; các sản phẩm bún khô của HTX nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo, Công ty TNHH Cao Tuyền… ký kết hợp đồng với một số chuỗi siêu thị lớn như hệ thống siêu thị Winmart+, Big C, AEON và tham gia thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP mới chỉ tiêu thụ trong tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể OCOP để xúc tiến phát triển tiêu thụ sản phẩm; mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Livestream bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Tiktok… Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Ocop247.vn, Voso.vn, Postmart... Chỉ đạo, định hướng các chủ thể OCOP chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như: áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nang-tam-gia-tri-cac-san-pham-dia-phuong-3166615.html