Nâng tầm giá trị cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên

là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên được tổ chức ngày 5/2.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo, sớm thực hiện các bước đăng ký đưa những cây chè cổ được tìm thấy tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ trở thành cây di sản Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo, sớm thực hiện các bước đăng ký đưa những cây chè cổ được tìm thấy tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ trở thành cây di sản Việt Nam.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành Chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030 được quyết nghị và ban hành đúng vào ngày 3/2/2025 - kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện mục tiêu phát triển ngành Chè Thái Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thái Nguyên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát huy và nâng cao giá trị ngành Chè, bởi vậy, đồng chí yêu cầu ngay sau khi tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển ngành Chè, các huyện, xã có cây chè đều phải ban hành Nghị quyết để công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thông suốt, liên tục. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Bí thư Đảng bộ UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để sớm có giải pháp thực hiện các bước đăng ký đưa những cây chè cổ được tìm thấy tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ trở thành cây di sản Việt Nam, trên cơ sở đó thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị cây chè cổ; công tác tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về văn hóa trà thực hiện xong trước ngày 31/3/2025.

Gửi lời chúc mừng năm mới đến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang nỗ lực truyền cảm hứng thúc đẩy phát triển văn hóa trà trong cộng đồng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục dành sự quan tâm, chung tay thực hiện mục tiêu phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của cây chè, sản phẩm trà và nâng tầm văn hóa trà Thái Nguyên.

Cây chè không chỉ giúp người dân Thái Nguyên làm giàu, mà còn dệt nên những cảnh sắc thiên nhiên làm mê đắm lòng người.

Cây chè không chỉ giúp người dân Thái Nguyên làm giàu, mà còn dệt nên những cảnh sắc thiên nhiên làm mê đắm lòng người.

Lãnh đạo Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công cũng báo cáo đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên năm 2025. Về phương án đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất ở bốn địa danh tứ đại danh trà Thái Nguyên giai đoạn 2025 – 2030, đề xuất về giao thông đường có quy mô chiều rộng từ 7-9m, khu phòng thưởng trà, đường hoa cảnh quan, lầu dừng chân, quy hoạch vườn trà kiểu mẫu về chất lượng và phong cảnh tự nhiên để du khách trải nghiệm thu hoạch chè và chăm sóc cây chè cùng các dịch vụ phụ trợ khác.

Về phương án bảo tồn phát huy giá trị vườn cây chè cổ tại huyện Đại Từ giai đoạn 2025 - 2030, sẽ tiến hành thống kê cây chè trên địa danh cụ thể, mời các nhà nghiên cứu để xác định nguồn gốc và tuổi cây chè dựa trên yếu tố khoa học; thực hiện các bước xác định giá trị vườn chè cổ để công nhận theo các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên, tập trung vào các nhóm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm trà, phát triển sản xuất chè hữu cơ, nâng tầm văn hóa trà, việc bảo tồn và phát huy giá trị các cây chè cổ tại huyện Đại Từ...

Đồi chè xóm Cầu Đá - một trong những đồi chè đẹp nhất của huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên thu hút nhiều du khách đến thăm quan.

Đồi chè xóm Cầu Đá - một trong những đồi chè đẹp nhất của huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên thu hút nhiều du khách đến thăm quan.

Cho ý kiến vào kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công bày tỏ vui mừng khi Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành Chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030, thể hiện quan điểm nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng rõ ràng cho phát triển ngành Chè của địa phương. Nhấn mạnh trà là một ngành kinh tế đặc biệt, khi kinh tế trà luôn đi liền và hòa quyện với văn hóa, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kỳ vọng với diện tích cây chè cổ đã được tìm thấy tại huyện Đại Từ, khẳng định sức sống lâu bền của cây chè ở địa phương, Thái Nguyên sẽ cần lấy đây trở thành lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh trong ngành Chè. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy việc phát huy sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để tạo đột phá trong nâng cao giá trị ngành Chè và nâng tầm văn hóa trà.

Ông Phạm Tấn Công cũng cam kết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng Thái Nguyên để quảng bá hình ảnh chè đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và quốc tế.

Việt Hoan – Phương Thảo

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nang-tam-gia-tri-cay-che-va-van-hoa-tra-thai-nguyen-394160.html