Nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Giá trị THQG năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng hai con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top 121 THQG mạnh trên thế giới được xếp hạng.

Vẫn “núp bóng” thương hiệu nước ngoài

Giá trị THQG Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập. Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, đóng góp đáng kể cho việc gia tăng giá trị THQG Việt Nam là các ngành viễn thông, ngân hàng và thực phẩm - đồ uống. Ngành viễn thông với các thương hiệu lớn như VNPT, Viettel, Mobiphone hay Vietnammobile.… đóng góp tới 31% tổng giá trị THQG, thực phẩm - đồ uống chiếm 12,7%. Trong khi đó, thương hiệu ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng Top 100, với tổng giá trị là 12,5 tỷ USD. So với năm 2022, giá trị thương hiệu ngành Ngân hàng tăng 47%.

PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, chỉ trong 5 năm, THQG Việt Nam đã tăng gấp đôi, lên gần 500 tỷ USD là sự thay đổi rất ngoạn mục, cho thấy năng lực cốt lõi của Việt Nam đang ngày càng được thế giới công nhận.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều trở ngại như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, vấn đề tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu. Mặt khác, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng sản phẩm công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao mà một trong những nguyên nhân là yếu kém về thương hiệu.

Có thể thấy, ấn tượng về hình ảnh biểu trưng sản phẩm Việt vẫn còn mờ nhạt. Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu, nhưng cũng mới chú trọng đăng ký tại Việt Nam mà chưa triển khai tại thị trường nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm Việt chất lượng cao nhưng không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là nước ngoài đã bị đối thủ cạnh tranh đăng ký mất.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin, dù Việt Nam xuất khẩu lượng gạo khá lớn sang thị trường này và người dân bản địa sử dụng gạo Việt Nam rất nhiều, nhưng dường như các nhà nhập khẩu Philippines vẫn “không tin tưởng lắm”. Theo ông Thành, trước đây, người tiêu dùng Philippines nói đến gạo là nghĩ đến Thái Lan và Nhật Bản, mặc dù họ tiêu dùng gạo Việt Nam nhưng chưa đánh giá cao. Điều này đặt ra bài toán lớn về làm thương hiệu, để khẳng định vị thế của hạt gạo Việt tại Philippines.

Gạo Cơm Vietnam Rice được Tập đoàn Lộc Trời xây dựng thương hiệu

Gạo Cơm Vietnam Rice được Tập đoàn Lộc Trời xây dựng thương hiệu

Cần dành nguồn lực đầu tư xứng đáng

Theo TS. Abel D. Alonso - giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng, nâng cao giá trị cảm nhận qua những giá trị cốt lõi tích cực, phù hợp với đối tượng mục tiêu. Thương hiệu có thể xây dựng qua nhiều phương thức khác nhau như: chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trải nghiệm của khách hàng...

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, công tác xây dựng thương hiệu cần được làm thường xuyên, tỉ mỉ, chuyên nghiệp và bài bản. Với doanh nghiệp, muốn có thương hiệu mạnh trước hết phải có sản phẩm, dịch vụ thể hiện được uy tín và đẳng cấp. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp có sức lan tỏa mạnh, đồng thời cần kỹ năng làm thương hiệu một cách chuyên nghiệp với những phạm vi, đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo ông Lạng, ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế trong quá trình phát triển thương hiệu. Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt quảng bá, tuyên truyền nâng cao nhận thức… để giúp doanh nghiệp phát triển tốt thương hiệu cùng với đầu tư đổi mới công nghệ bảo đảm sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, mang tính bền vững theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ðây là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam và nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế; trong đó, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Thái Thu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-tam-gia-tri-thuong-hieu-quoc-gia-cho-doanh-nghiep-153615.html