Nâng tầm làng nghề giấy bản của người Nùng ở Cao Bằng

Với việc được Ban quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng chọn là đối tác trong tuyến trải nghiệm phía Đông, làng nghề giấy bản Dìa Trên của người Nùng đang đứng trước cơ hội được nâng tầm trở thành điểm đến lý thú của du khách trong và ngoài nước.

Cách sản xuất giấy thân thiện với môi trường và giàu bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Phương Liên

Cách sản xuất giấy thân thiện với môi trường và giàu bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Phương Liên

Làng Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa là một làng nghề nổi tiếng làm giấy bản từ lâu đời ở Cao Bằng. Các công đoạn chính để làm giấy bản được thực hiện hoàn toàn thủ công theo cách truyền thống, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau đã bao đời nay.

Làng Dìa Trên nằm gọn trong một thung lũng với những nếp nhà sàn truyền thống lợp ngói âm dương, những cánh rừng và thảm lúa xanh mướt bao quanh, tạo nên vẻ bình yên, thuần khiết bản sắc văn hóa dân tộc Nùng. Đến làng Dìa Trên, hộ làm giấy bản Thành Kính là một địa chỉ không thể bỏ qua. Ông Nông Văn Lùng là chủ hộ, năm nay đã gần 100 tuổi và từ khi còn là đứa trẻ 13, 14 tuổi đã được bố mẹ truyền nghề. Bảy, tám chục năm gắn bó, nghề đã ngấm vào máu nên dù đang ở cái tuổi thượng thượng thọ, ông vẫn lọ mọ giúp con cháu làm một số công đoạn cho khỏi nhớ nghề. Với ông, chừng nào trái tim còn đập thì còn gắn bó với nghề, bởi đó là một phần tinh hoa văn hóa dân tộc.

Chị Nông Thị Kính là con dâu của ông Nông Văn Lùng. Là người Nùng nên chị Kính cũng biết nghề làm giấy bản từ khi 15 tuổi. Về làm dâu, chị dễ dàng nối tiếp nghề của nhà chồng. Thấm thoắt đã mấy chục năm, với chị Kính, nuôi dưỡng niềm đam mê theo đuổi nghề là cách để tiếp nối truyền thống của cha ông và giữ mãi nét đẹp văn hóa dân tộc.

Nguyên liệu chính để làm giấy bản có tên là cây giấy dó, hay là cây Mạy Sla theo tiếng địa phương. Đây là loại cây dại mọc bên sườn núi, khoảng 1 - 2 năm thì đồng bào có thể chặt về, tước lấy phần vỏ để làm giấy. Từ đây, bắt đầu một quy trình tỉ mỉ, vất vả như cạo vỏ, luộc hai lần trong ít nhất hai giờ đồng hồ, dùng chày đập thật nhuyễn, cho vào bể nước khuấy đều cho ra bột, sau đó là seo giấy, phơi khô trên bề mặt phẳng như tường nhà, cửa gỗ giúp thành phẩm dai, chắc, có mùi thơm thoang thoảng... Thế mới biết, để làm ra tờ giấy bản phải kỳ công, tốn sức như thế nào. Ưu điểm là toàn bộ sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, pha chế theo công thức riêng và hoàn toàn thủ công, dựa trên tài năng, sự tận tụy, kiên nhẫn của người làm với công việc.

Cách sản xuất tự nhiên, thân thiện với môi trường của người Nùng rất gần gũi, thu hút du khách quan tâm và tìm hiểu. Chị Lê Vũ Minh Trang cùng hai con từ thành phố Hồ Chí Minh ra tham quan du lịch làng nghề Dìa Trên hào hứng chia sẻ cảm giác hạnh phúc khi có cơ hội được quan sát, được người dân sở tại hướng dẫn quy trình sản xuất thủ công; được trực tiếp trải nghiệm việc giã, seo, phơi giấy để học hỏi về một nghề truyền thống có giá trị văn hóa độc đáo như vậy. Đám trẻ cũng rất thích thú được trải nghiệm thực tế việc làm giấy thủ công, từ đó, thêm hiểu biết và dần hình thành ý thức tự hào, trách nhiệm gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.

Càng có ý nghĩa hơn khi Ban quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã quyết định chọn làng nghề Dìa Trên là đối tác trong tuyến trải nghiệm phía Đông. Từ đây, một hướng đi mới có tầm vóc hơn đang mở ra cho đồng bào Nùng. Tuổi già của ông Nông Văn Lùng thêm hứng khởi khi chứng kiến ngày ngày có những đoàn khách cả Tây lẫn ta tìm đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm cách làm nghề giấy truyền thống. Mà đã dừng chân ở làng nghề, du khách nào cũng muốn mang về một vài món quà lưu niệm từ giấy bản. Thế là, nếu như xưa kia, giấy bản chỉ được người Nùng sử dụng vào việc dạy và học chữ Nho, viết sách cúng, sách xem tướng số, truyện, thơ Nôm hoặc dùng làm vàng mã trong các lễ tín ngưỡng, tâm linh thì nay, bà con bước đầu năng động hơn, bắt nhịp với làm dịch vụ du lịch.

Kết hợp với việc Ban quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng thường xuyên làm việc trực tiếp, định hướng đồng bào đa dạng hóa sản phẩm, sáng tạo các sản phẩm thủ công phục vụ các nhu cầu du lịch, cùng với tinh thần không ngừng học hỏi sáng tạo, người dân Dìa Trên đã thổi hồn vào giấy bản, biến nguyên liệu mộc mạc thành những sản phẩm thủ công tinh xảo, mang giá trị tinh thần to lớn và đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày xưa, khuôn seo giấy chỉ có kích thước nhỏ. Ngày nay, đồng bào đã đa dạng nhiều kích thước khác nhau bởi ngoài để viết, vẽ, giấy bản, còn được sử dụng để làm đồ trang trí như viết chữ thư pháp, quạt, sổ tay, bưu thiếp, hoa giấy, quyển thơ, túi xách đựng quà tặng...

Ở tuổi thượng thượng thọ, nhưng ông Nông Văn Lùng vẫn giúp con cháu làm nghề. Ảnh: Phương Liên

Ở tuổi thượng thượng thọ, nhưng ông Nông Văn Lùng vẫn giúp con cháu làm nghề. Ảnh: Phương Liên

Chị Nông Thị Kính hào hứng chia sẻ, hàng lưu niệm làm từ giấy bản rất được du khách ưa chuộng. Khách nước ngoài, khách từ các tỉnh phía Nam thích tự tay làm giấy rồi mang đi luôn. Những cuốn sổ, tranh vẽ, chữ thư pháp... theo khách nước ngoài đến Hà Lan, Italia, Mỹ... và theo chân du khách nội địa đến mọi miền Tổ quốc. Thu nhập của hộ giờ được hình thành từ 2 nguồn, một nguồn từ làm giấy và một nguồn từ du lịch mang lại, dao động trong khoảng 22 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Biết nghề từ khi 16, 17 tuổi, nay đã là một người phụ nữ trung niên, chứng kiến lượng khách tham quan đến ngày càng đông, chị Nông Thị Sam cũng không giấu nổi tự hào. Càng phấn khởi hơn khi du khách đánh giá làng nghề Dìa Trên là một địa chỉ rất đáng trải nghiệm trong hành trình du lịch tại Cao Bằng.

Dìa Trên đang ngày càng tiến gần hơn đến mô hình của một làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch ngay giữa Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Đây là một mô hình rất có ý nghĩa, góp phần sinh động thêm trải nghiệm du lịch của Cao Bằng dựa trên sự kết hợp hài hòa, bền vững giữa cảnh sắc thiên nhiên và tài nguyên tri thức văn hóa dân tộc tại chỗ, tạo ra sinh kế để đồng bào có thêm động lực giữ nghề truyền thống. Đồng chí Đàm Đình Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen đánh giá, việc được công nhận làm đối tác của Ban quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã mở ra cơ hội mới cho cấp ủy, chính quyền xã và bà con trong việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, đồng thời duy trì, nâng cao phát triển làng nghề phù hợp với xu thế phát triển xã hội.

Hiện nay, để bảo tồn và phát huy nghề làm giấy bản ở xóm Dìa Trên, tạo thu nhập ổn định cho người dân từ nghề truyền thống, Ban quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã và đang làm việc với cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: bãi đỗ xe, bảng chỉ dẫn, bảng thông tin di sản, lắp biển đối tác, tủ trưng bày sản phẩm... Trong thời gian tới, Ban quản lý tiếp tục phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch, các đơn vị đối tác của Công viên địa chất kết nối với các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, homestay để cùng phối hợp hỗ trợ sản phẩm đầu ra cho sản phẩm từ giấy bản của xóm Dìa Trên..., kết hợp với nhiều hoạt động khác để hỗ trợ Dìa Trên trở thành một điểm đến trải nghiệm lý thú trong vùng Công viên địa chất.

Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-tam-lang-nghe-giay-ban-cua-nguoi-nung-o-cao-bang-post480249.html