Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, làng có nghề với số lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm công nghiệp nông thôn (SPCNNT) của tỉnh mới chỉ dừng lại ở sản xuất quy mô vừa và nhỏ; hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Với những hỗ trợ cụ thể về các mô hình phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng, trong đó có các SPCNNT nhằm cải thiện thu nhập của người dân, Đề án xây dựng 'Làng văn hóa kiểu mẫu' (LVHKM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 sẽ giúp nâng tầm các SPCNNT ở các địa phương.
Xác định phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) là hướng đi đúng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phát triển các ngành CN -TTCN, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương, những năm qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện nhiều chương trình Khuyến công địa phương.
Sở Công thương triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, trang bị máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ thương mại, triển lãm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; bình chọn và tôn vinh các SPCNNT tiêu biểu giúp doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất...
Đến nay, các SPCNNT của tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú. Đặc biệt, qua 4 đợt bình chọn, Vĩnh Phúc hiện có 26 SPCNNT tiêu biểu chia thành các nhóm sản phẩm chính gồm: Thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm; thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí.
Tiêu biểu như các sản phẩm chế biến từ mật ong của Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên); Bộ 3 bình gốm Sen Việt của cơ sở sản xuất Nguyễn Hồng Quang, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên); xích đu 22 kg của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ T&T, xã Đồng Thịnh (Sông Lô); lọ hoa Hồ điệp của Cơ sở sản xuất Dương Văn Hoạt, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên);...
Có nhiều sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận SPCNNT tiêu biểu cấp Quốc gia như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Curcumin của Công ty Ong Tam Đảo; lọ hoa trụ tròn Campos (35,5cm mài hóa vẽ vàng quanh miệng) của Công ty cổ phần Đầu tư OSUM chi nhánh Vĩnh Phúc....
Bên cạnh một số sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc, có mặt trên thị trường quốc tế như: Sản phẩm mật ong của Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (huyện Bình Xuyên), hầu hết SPCNNT tiêu biểu còn lại có thị trường tiêu thụ chưa thật sự ổn định; sản lượng bán ra còn khá khiêm tốn, "nhỏ giọt".
Nguyên nhân do các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, phần lớn là các hộ đăng ký kinh doanh tại các làng nghề truyền thống, làng có nghề nên chưa có điều kiện áp dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất hay cũng như chưa có địa điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm...
Trước thực tế đó, việc triển khai thí điểm Đề án xây dựng mô hình LVHKM tại 28 làng, tổ dân phố trên 9 huyện, thành phố đã và đang mở ra những cơ hội cho người dân, các hộ, cơ sở sản xuất tại các địa phương có làng nghề truyền thống, TTCN phát triển.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án, tháng 5/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030.
Theo đó, với nội dung hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại, tại LVHKM sẽ được hỗ trợ mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, SPCNNT tiêu biểu đặc trưng của tỉnh và của địa phương xây dựng mới với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/làng và hỗ trợ không quá 2 mô hình/làng.
Trước đó, triển khai các nội dung xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại các làng thực hiện thí điểm, Sở Công thương đã có văn bản về Hướng dẫn một số nội dung khuyến khích phát triển CNNT thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh.
Trong đó nêu rõ các quy định về khuyến công hiện nay bao gồm đối tượng, danh mục ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ, nguyên tắc ưu tiên đến nội dung và mức chi cụ thể của hoạt động khuyến công… và trình tự xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương.
Qua rà soát đăng ký có 9 mô hình triển khai thực hiện tại các địa phương và sở đang tiến hành thẩm định, trình phân bổ kinh phí đối với 4 mô hình bao gồm hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí tại thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương (Yên Lạc); hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí tại thôn Đông, xã Phú Đa (Vĩnh Tường)
Hỗ trợ kinh phí mô hình đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mộc và hỗ trợ kinh phí mô hình đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công bao bì tại thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý (Tam Đảo).
Còn lại 5 mô hình sẽ triển khai hỗ trợ tại các thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) và Đồng Bùa, xã Tam Quan (Tam Đảo).
Việc triển khai các nội dung hỗ trợ trong chương trình xây dựng LVHKM sẽ tạo điều kiện cho các SPCNNT tại các địa phương có làng nghề thêm cơ hội quảng bá, cải thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao giá trị, vươn tầm cao mới.
Đơn cử như tại làng rèn thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường), bên cạnh các thiết chế văn hóa - thể thao, trong năm 2023, nhà thờ tổ làng rèn, đồng thời, là nơi trưng bày, trải nghiệm cho du khách cũng sẽ được xây dựng.
Khi đó, các SPCNNT không chỉ đơn thuần là sản phẩm sử dụng thông thường mà sẽ là quà tặng du lịch cho du khách thập phương khi đến tham quan làng nghề.
Anh Phùng Văn Đô, Giám đốc HTX rèn Thanh niên xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) phấn khởi cho biết: "Chúng tôi sẽ tích cực đa dạng mẫu mã sản phẩm với giá cả cạnh tranh hơn nữa để trưng bày tại nhà thờ tổ làng rèn, qua đó, thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển".