Nâng tầm sản phẩm từ đặc sản thịt bò vàng A Lưới

Đó là chia sẻ rất thật của chị May tại A Lưới, Thừa Thiên Huế khi nghỉ việc làm giáo viên để khởi nghiệp từ đầu.

 Chị May đã khởi nghiệp với sản phẩm thịt gác bếp, với nguyện vọng tạo hướng đi mới cho sản phẩm chăn nuôi A Lưới

Chị May đã khởi nghiệp với sản phẩm thịt gác bếp, với nguyện vọng tạo hướng đi mới cho sản phẩm chăn nuôi A Lưới

Nhận thấy tiềm năng du lịch và đặc trưng sản phẩm vùng cao, chị Trần Thị Bích May (SN 1991) đã khởi nghiệp với sản phẩm thịt gác bếp, mong muốn tạo hướng đi mới cho sản phẩm chăn nuôi của huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của thịt bò vàng A Lưới, một loại bò được nuôi thuần tự nhiên và được bảo hộ thương hiệu.

Khởi nghiệp khi trong tay không có nhiều tài chính, May đã rất vất vả để có được thành công như hôm nay

Khởi nghiệp khi trong tay không có nhiều tài chính, May đã rất vất vả để có được thành công như hôm nay

Để khởi nghiệp thành công, ai cũng từng có những lúc loay hoay với lựa chọn của mình. Chị có từng như thế không?

Tôi sinh ra là một người con của A Lưới, gia đình thuộc hộ nghèo, mẹ nuôi lớn chị em tôi bằng nghề buôn bán nông sản địa phương. Sau khi học ra trường, tôi được phân công công tác tại một trường mầm non trên địa bàn huyện.

Ngày mẹ còn sống, tôi từng có ý nghĩ về việc đưa những sản phẩm mẹ tôi bán xây dựng tem, nhãn tạo dựng thương hiệu cho mẹ tôi. Tuy nhiên, không may mẹ tôi tai nạn và qua đời sớm, gian hàng của mẹ tôi đóng cửa. Sau nhiều năm công tác tại trường, dù rằng cũng phát triển nghề nghiệp, đạt nhiều thành tích tốt, nhưng khao khát khởi nghiệp với cộng đồng quá lớn, tôi quyết định nghỉ việc.

Ngày mới bước vào kinh doanh, tôi loay hoay tìm hướng đi của mình, trải nghiệm nhiều mô hình tuy nhiên không hiệu quả. Được sự động viên của Hội LHPN huyện, với tiềm năng du lịch và đặc trưng sản phẩm vùng cao, tôi khởi nghiệp với sản phẩm thịt gác bếp. Nguyện vọng của tôi là tạo hướng đi mới cho sản phẩm chăn nuôi A Lưới, cụ thể là thịt bò vàng A Lưới, một loại bò được nuôi thuần tự nhiên và được bảo hộ thương hiệu.

Với sản phẩm truyền thống của đồng bào thiểu số A Lưới, mang đặc trưng núi rừng, tuy nhiên lại không phù hợp với khẩu vị số đông. Qua nhiều lớp học từ các mô hình kinh doanh, tôi đổi mới công nghệ sản xuất, đổi mới quy trình tiếp thị bán hàng.

Sau gần một năm vừa làm, vừa học tập, vừa trải nghiệm, vừa ghi nhận sự góp ý của khách hàng, và sự may mắn gặp gỡ những anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm, cũng như dùng sự chân thành để xin sự góp ý của đồng bào, tôi cho ra mắt sản phẩm thịt gác bếp ăn liền. Sản phẩm có hương vị riêng, có tính thương mại hóa cao nhưng vẫn giữ chất thuần túy của địa phương, sử dụng nguyên liệu tại địa phương và thuần tự nhiên.

Các sản phẩm của Cơ sở sản xuất Hanaal Food

Các sản phẩm của Cơ sở sản xuất Hanaal Food

Có vẻ như chị đã vượt qua cuộc hành trình rất dài để đến với thành quả của mình. Vậy khi có sản phẩm như ý rồi, thì chị làm thế nào để có được khách hàng và doanh thu cao?

Là một huyện vùng cao, để kết nối sản phẩm ra thị trường, là một hành trình vượt đèo không ngại khó. Để tham gia được các buổi trưng bày, hội thảo ở thành phố, tôi phải dậy sớm, vượt gần 100km để kịp giờ kết nối. Có lúc vì mưa gió mà dừng lại. Có lúc vì xe hỏng giữa đường mà bỏ xe giữa đường để đi nhờ xe và kể cả những lần không may tai nạn gối trầy da xước, nhưng không ngăn được ý chí người khởi nghiệp. Cảm giác của cô gái giữa đêm tối đứng giữa đèo khóc nấc vì tủi thân, vì cô độc giữa núi rừng là những trải nghiệm không thể quên được trên hành trình đi qua".

Khởi nghiệp khi trong tay không có nhiều tài chính, có lúc tôi đã vì những áp lực về cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền của gia đình mà dừng chân muốn bỏ cuộc. Có lúc sản phẩm làm ra chưa bán được, quy trình sai mà dẫn đến hư hỏng phải bỏ đi. Động lực lớn nhất của tôi là trong khoảng thời gian học tập, tôi được làm quen, gặp gỡ với những người chị khởi nghiệp luôn cổ vũ động viên. Gia đình luôn ở phía sau ủng hộ và chính quyền địa phương luôn hỗ trợ và động viên.

Sản phẩm của May đã có chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm của May đã có chỗ đứng trên thị trường

Thật là một nghị lực đáng ngưỡng mộ. Vậy chị đã "nâng tầm" thịt bò vàng A Lưới như thế nào?

Tôi thành lập Cơ sở sản xuất HanaalFood - Thịt gác bếp và đặc sản A Lưới, sản xuất những sản phẩm núi rừng như thịt heo gác bếp, thịt bò gác bếp, chuối sấy dẻo, mít sấy giòn, nông sản sấy theo mùa. Mức doanh thu 6 tháng vừa qua dao động từ 40-90 triệu đồng/tháng. Tạo thu nhập cho 6 lao động cơ bản với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.

Quy mô sản xuất đang ở mức độ nhỏ nên tôi đang dùng lợi nhuận từ sản phẩm để tái đầu tư vào hệ thống máy móc và công nghệ, hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cần thiết.

Để đưa doanh nghiệp phát triển tốt hơn, chị có hoạch định gì trong thời gian tới?

Đầu ra thị thị trường còn chưa ổn định, chủ yếu thị trường bán lẻ, kênh thương mại điện tử. Vì là sản phẩm mới ra nên chưa có định vị khách hàng. Hiện tại tôi đang tập trung chủ yếu ở thị trường nội tỉnh và thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để vươn xa hơn.

Định hướng trong năm 2024, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất của xưởng để tăng sản lượng cung ứng, hoàn thành các giấy tờ pháp lý để sản phẩm thuận lợi đưa vào các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng. Gia tăng đơn hàng, mở rộng đại lý các tỉnh, làm tốt hơn các kênh thương mại điện tử để tăng đầu ra. Chuyển giao công nghệ sản xuất, đồng bộ chất lượng hơn để chị em phụ nữ trong huyện cùng chung tay sản xuất. Định vị sản phẩm mang hơi thở A Lưới ra thị trường.

Tôi mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại, các gói hỗ trợ về máy móc, công nghệ sản xuất. Hỗ trợ các thủ tục, chương trình để sản phẩm đạt chuẩn xuất ra thị trường, cung ứng vào các chuỗi nông sản, đặc sản.

Chị kỳ vọng điều gì ở sản phẩm của chính mình?

Với tầm nhìn nâng tầm nông sản địa phương A Lưới thành sản phẩm chất lượng cao, đặc sản có chất lượng, chúng tôi tin rằng, sản lượng bán ra sẽ tỷ lệ thuận với năng lực sản xuất và thu nhập của người sản xuất. Tôi rất mong muốn thị trường của sản phẩm rộng mở, thúc đẩy sản xuất, ngày càng tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Ngoài công nhân sản xuất ra còn tạo công việc cho người dân chăn nuôi, nông nghiệp tại địa phương. Chuẩn hóa quy trình nuôi trồng để A Lưới có thêm vùng nguyên liệu, thực phẩm xanh, sạch cho thị trường miền Trung và xa hơn là cả nước.

Xin cảm ơn chị!

Liên hệ: Chị Trần Thị Bích May - Chủ Cơ sở sản xuất HanaalFood

Địa chỉ: tổ 12 tổ dân phố 6, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế

SĐT: 0788666567

Website: Hanaalfood.com

Giá sản phẩm từ 70.000đ

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nang-tam-san-pham-tu-dac-san-thit-bo-vang-a-luoi-2023110209282385.htm