Nâng tầm tạp chí khoa học trong trường đại học: Hiếm tạp chí chất lượng quốc tế

Theo các chuyên gia, tạp chí khoa học của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về số và chất lượng.

Một hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Một hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Ngoài yếu tố nội lực, có không ít vấn đề khách quan khiến bức tranh về tạp chí khoa học trong nước nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng chưa khởi sắc như mong muốn.

Khiêm tốn về chất và lượng

Đánh giá về bức tranh chung của tạp chí khoa học Việt Nam, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, nhiều tạp chí không theo thông lệ quốc tế, từ định dạng đến cách trình bày. Ngoài ra, số lượng tạp chí đạt chuẩn chất lượng quốc tế còn khiêm tốn.

Nhóm nghiên cứu Vcgate (Vietnam Citation Gateway) của GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội và cộng sự từng công bố kết quả đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam. Kết quả cho thấy, trên 80% tạp chí chưa phù hợp theo thông lệ quốc tế. Nhìn về tổng thể, chất lượng tạp chí của chúng ta còn nhiều bất cập, xa với nhóm cuối cùng Q4 của các tạp chí quốc tế.

Tại Hội thảo liêm chính trong nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, PGS.TS Trần Anh Tuấn - Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho hay, cả nước có khoảng 600 tạp chí khoa học. Hầu hết bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… đều có tạp chí khoa học riêng.

PGS.TS Trần Anh Tuấn thông tin, tháng 3/2023, Scopus đưa vào danh mục tổng số 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới. Trong đó, có hơn 27.900 tạp chí còn hiệu lực; trên 15.400 tạp chí đã bị loại ra khỏi danh mục; hơn 1.200 tạp chí mới được đưa vào năm 2022 – 2023. Trong danh mục Scopus, có 8 tạp chí khoa học của Việt Nam còn hiệu lực.

Còn trong danh mục Web of Science (WoS), Việt Nam có 8 tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu; trong đó có 1 tạp chí thuộc lĩnh vực Khoa học mở rộng (SCIE), trong khi lĩnh vực này có hơn 9.200 tạp chí/178 ngành khoa học.

Hiện, Việt Nam có 7 tạp chí thuộc danh mục Nguồn mới nổi (ESCI); trong khi danh mục này hiện có 7.800 tạp chí thuộc mọi lĩnh vực. Với danh mục Asean Citation Index (ACI), tháng 3/2023 đã đánh giá và xét chọn được 664 tạp chí khoa học của 10 nước trong khu vực. Năm 2021, Việt Nam có 26 tạp chí trong danh mục này nhưng đến năm 2023 còn 20 tạp chí.

 Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) đang làm thủ tục xin cấp phép biên bản điện tử cho Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đông Đô. Ảnh: Website nhà trường

Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) đang làm thủ tục xin cấp phép biên bản điện tử cho Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đông Đô. Ảnh: Website nhà trường

“Bắt mạch” nguyên nhân

“Thực trạng trên dẫn đến hệ quả là, các nhà khoa học sẽ tìm đến các tạp chí nước ngoài để đăng bài”, PGS.TS Trần Anh Tuấn nói và cho hay, về mặt quản lý Nhà nước, hiện chưa có Bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của Bộ, ngành và quốc gia một cách chính thức. Năm 2011, Bộ GD&ĐT triển khai đề án thí điểm nâng cấp tạp chí của một số trường đại học và tiếp tục triển khai vào năm 2018. Đến nay, có 18 cơ sở giáo đại học được thụ hưởng dự án và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng.

Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án “Nâng cấp tạp chí hoạt động khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; sau đó thành lập web Vietnam Journals online để hỗ trợ các tạp chí xuất bản điện tử nhưng không đều đặn.

Cũng theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, hằng năm, Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt danh mục tạp chí khoa học Việt Nam được tính điểm, làm cơ sở để Hội đồng Giáo sư các cấp định lượng các công trình khoa học của ứng viên. Năm 2022, có khoảng 450 tạp chí có trong danh mục.

Trong đó, 50 tạp chí thuộc các Bộ, ngành Trung ương; 29 tạp chí thuộc các cục, tổng cục, tập đoàn, trung tâm; 70 tạp chí thuộc các hội, hiệp hội, tổng hội nghề nghiệp; 109 tạp chí thuộc viện nghiên cứu khoa học; còn lại là tạp chí thuộc các đại học, trường đại học, học viện.

Sau khi rà soát, PGS.TS Trần Anh Tuấn chỉ ra một số bất cập như: Còn thiếu thông tin hoặc không nhất quán thông tin ở một số tạp chí. Một số tạp chí chưa có trang web, trang mục riêng hoặc có nhưng thông tin hạn chế; giảm tính minh bạch.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, trong bối cảnh số hóa hiện nay nhưng số lượng tạp chí có website chuẩn, tương thích với cơ sở dữ liệu quốc tế còn thấp. Việc không số hóa khiến cho các tạp chí tự hạn chế bạn đọc tìm đến mình. Không có bạn đọc đồng nghĩa không có người trích dẫn nên tầm ảnh hưởng của tạp chí đối với cộng đồng khoa học rất thấp.

TS Lê Viết Khuyến thì cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “èo uột” của tạp chí khoa học là do các trường đại học trong nước chưa đủ uy tín và chưa “đủ lớn”. Thứ nữa, đại đa số trường đại học chưa phát triển theo định hướng nghiên cứu nên chưa thực sự chú trọng đầu tư phát triển tạp chí khoa học của đơn vị. Nhiều bài đăng trên tạp chí trong nước chưa đủ “sức nặng”, thậm chí chất lượng còn kém, chủ yếu phổ biến kinh nghiệm.

Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy là, hầu hết trường đại học tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy, gần như tách bạch độc lập với hệ thống nghiên cứu.

Ngoài việc cần xây dựng cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học Việt Nam làm cơ sở phê duyệt danh mục, PGS.TS Trần Anh Tuấn khuyến nghị, cần công bố tiêu chí; trong đó có nội dung liên quan đến tuân thủ liêm chính khoa học. Bên cạnh đó, cần quy định về đạo đức xuất bản (code of ethich); áp dụng công cụ kiểm soát “đạo văn”. Mặt khác, công khai quy trình nhận bài, phản biện; số hóa quá trình xuất bản và tuân thủ tính liêm chính khoa học theo quy định quốc gia và thông lệ quốc tế.

Còn PGS.TS Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu quan điểm, cần xây dựng một số đơn vị tiên phong, đầu ngành để dẫn dắt.

Tương tự như Hội đồng Giáo sư Nhà nước hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) có vai trò dẫn dắt; hai Đại học Quốc gia và 2 Viện Hàn lâm, cùng một số cơ sở giáo dục đại học lớn cần xây dựng một số khoa, viện, tạp chí, nhà xuất bản xuất sắc để làm gương.

Theo TS Lê Viết Khuyến, phải thẳng thắn thừa nhận, các công bố quốc tế từ nội lực còn tụt hậu. Một số cá nhân, cơ quan khoa học lảng tránh chuẩn mực quốc tế với lý do là nghiên cứu ứng dụng. Kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-tam-tap-chi-khoa-hoc-trong-truong-dai-hoc-hiem-tap-chi-chat-luong-quoc-te-post695248.html