Nâng tầm thương hiệu nông sản vùng cao

Trước kia, khi đến với vùng cao Võ Nhai, tìm mua sản vật địa phương, nhiều người thường nghĩ đến na La Hiên, đậu Bình Long, bưởi Tràng Xá… Hiện nay, huyện đã có thêm nhiều sản phẩm được chế biến từ chính những nông sản của địa phương, đạt tiêu chuẩn OCOP và thị trường đón nhận, yêu thích.

Theo người dân địa phương, từ khoảng năm 1970, hàng chục hộ dân ở làng Tiền Phong (nay là tổ dân phố Tiền Phong, thị trấn Đình Cả) đã có nghề làm mỳ gạo truyền thống. Mỳ gạo Tiền Phong được thị trường đánh giá ngon bậc nhất với sợi mỳ mềm, không bị nát rời sau khi nấu và có hương thơm đặc trưng. Nghề làm mỳ gạo truyền lại cho nhiều thế hệ, song dần bị mai một từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Và hiện nay, ở Tiền Phong chỉ còn gia đình chị Thạch Thị Hương vẫn gắn bó với nghề.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy trình sản xuất mỳ gạo Tiền Phong tương tự như nhiều nơi khác. Nhưng để cho ra sản phẩm đặc trưng, chị Hương luôn tuân thủ bí quyết riêng.

Để có sản phẩm mỳ khô phải trải qua nhiều công đoạn, gồm: Vo sạch gạo, ngâm gạo, xay bột, ngâm bột, ép bột, đánh bột… Trong đó, ngâm bột đóng vai trò quyết định. Nếu ngâm quá thời gian, bột sẽ chua; thời gian ngâm bột quá ngắn thì mỳ không dai, dẻo… Điều này cần đến kinh nghiệm và độ “nhạy” của người làm nghề truyền thống. Trong quá trình ngâm bột cần thay nước 3 lần/ngày để bột không bị chua. Sau đó bột được đem đi tráng thành bánh, phơi một nắng rồi cắt thành sợi mỳ. Cuối cùng đem phơi thêm một nắng để ra được thành phẩm mỳ gạo đặc sản Tiền Phong.

Với kỹ thuật gia truyền, gia đình chị Hương đã cho ra thị trường các sản phẩm mỳ khô Tiền Phong đảm bảo an toàn thực phẩm, không chất phụ gia, bảo quản và đặc biệt là bảo đảm chất lượng vốn có của đặc sản mỳ gạo gia truyền. Sản phẩm cũng được đóng gói với bao bì đẹp, đầy đủ mã QR để truy xuất nguồn gốc.

Năm 2020, với sự hỗ trợ của địa phương, Hợp tác xã (HTX) Mỳ gạo Tiền Phong được thành lập, do chị Thạch Thị Hương làm Giám đốc. Ngay sau khi đi vào hoạt động, HTX đã đầu tư nhà xưởng với hệ thống máy móc hiện đại, như: máy xay công suất lớn, máy tráng mỳ, máy cắt sợi, máy đóng gói...

Với bí quyết gia truyền kết hợp với máy móc hiện đại, HTX đã cho ra thị trường các sản phẩm mỳ khô Tiền Phong đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ nguyên được chất lượng vốn có của đặc sản mỳ gạo truyền thống. Năm 2021, sản phẩm mỳ gạo Tiền Phong được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao; nhiều lần được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và huyện.

Hiện nay, HTX sử dụng hơn 4 tấn gạo/tháng để sản xuất mỳ gạo và bánh phở. HTX cũng đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mới là mỳ gạo lứt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mỗi tháng, HTX sản xuất 3 tấn mỳ gạo và khoảng 1 tấn bánh phở, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Với nền tảng vững chắc về sản phẩm và thương hiệu, HTX Mỳ gạo Tiền Phong đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy mỳ hiện đại theo công nghệ bơm nhiệt hút ẩm. Khi đi vào hoạt động, lò sấy này có thể giúp HTX nâng công suất lên gấp 2-3 lần so với hiện tại, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời mở rộng kênh quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202405/nang-tam-thuong-hieu-nong-san-vung-cao-0b3076e/