Nặng tình với cây lúa quê hương

PTĐT - Một người bình dị nhưng nuôi trong mình một hoài bão lớn. Một người sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp kinh doanh đang trên đà phát triển để trở về 'lam lũ cùng với bà con'. Người mà chúng tôi nhắc đến là kỹ sư nông nghiệp Hoàng Ngọc Tín ...

PTĐT - Một người bình dị nhưng nuôi trong mình một hoài bão lớn. Một người sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp kinh doanh đang trên đà phát triển để trở về “lam lũ cùng với bà con”. Người mà chúng tôi nhắc đến là kỹ sư nông nghiệp Hoàng Ngọc Tín – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Cao Xá, huyện Lâm Thao “cha đẻ” của Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp xã Cao Xá giai đoạn 2019 – 2025” với tham vọng xây dựng Cao Xá trở thành vựa lúa chất lượng cao của tỉnh.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao Xá, kỹ sư Hoàng Ngọc Tín sinh năm 1974, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Hoàng Ngọc Tín về công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2006, anh tách ra lập nghiệp và bắt đầu tạo dựng cơ sở kinh doanh của riêng mình. Năm 2018, anh trở về quê hương và đảm nhiệm cương vị Giám đốc HTXNN Cao Xá. Với anh, cương vị mới này vừa thỏa mãn “cái máu” của người làm kinh doanh lại vừa giúp anh sâu sát với bà con nông dân – những người mà anh coi như ruột thịt. Lúc này, tại xã Cao Xá xảy ra tình trạng bà con không mặn mà với vụ lúa mùa. Lối canh tác manh mún, chỉ dựa vào thói quen khiến cho năng suất thấp. Cách duy nhất để kéo bà con trở lại với cây lúa và tránh được tình trạng đất đai bị bỏ hoang như nhiều địa phương khác, anh Tín đã tham mưu cho chính quyền xã Cao Xá triển khai đề án phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tháng 12 năm 2018, đề án “thành hình” và được phê duyệt. Kỹ sư Hoàng Ngọc Tín đứng trước bà con dõng dạc: “100% diện tích trồng lúa sẽ được cơ giới hóa và sử dụng công nghệ cao”. Thế rồi, những công nghệ như phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái hay sử dụng phân bón nano được anh triển khai trước con mắt kinh ngạc của nhiều người. Bà con nông dân không tin được rằng chỉ với một lượng nhỏ thuốc trừ sâu lại có thể phun được diện tích lúa lớn như thế. Tuy vậy, khó khăn chưa hề dừng lại, anh lại phải đối mặt với vấn đề niềm tin của người nông dân. Khi triển khai vùng quy hoạch giống, nhiều hộ cố tình cấy những giống lúa khác với quy hoạch. Nếu không giải quyết được tình trạng này, rất có thể đề án sẽ thất bại ngay từ khi còn “trứng nước”. Do vậy, anh cùng với cán bộ vừa phân tích vừa xắn tay xuống đồng cấy lại lúa cho bà con. Bây giờ, khi đã thu lại được thành quả thì người dân hoàn toàn tin tưởng và đi theo đề án. “Điều quan trọng nhất là phải kiên định đường hướng của mình là đúng” – Anh Tín chia sẻ.

Sau một mùa vụ thử nghiệm, đến nay, công sức của anh đã được đền đáp. Thành quả đầu tiên là thay đổi được cơ cấu mùa vụ, tránh được cao điểm nắng nóng và sâu bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Từ đó, năng suất lúa mùa chung của xã Cao Xá tăng lên đáng kể, với giống lúa J02 đạt 2,5 tạ/sào và Khang Dân đạt 2 tạ/sào (tăng trung bình 60 kg/sào). 100% diện tích lúa được áp dụng phương pháp canh tác cải tiến nhằm tiết kiệm nước và hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Những con số đã được tính toán cho thấy tiết kiệm công lao động và tiền của nhân dân như đơn cử việc phun thuốc trừ sâu. Một ha canh tác theo phương pháp mới tiết kiệm được 2,4 triệu đồng. Vậy với 780 ha gieo cấy của toàn xã thì con số tiết kiệm được là không hề nhỏ.

Thành công mà người kỹ sư nông nghiệp Hoàng Ngọc Tín thu được không chỉ là một vụ mùa thắng lợi mà còn là niềm tin, là sự gắn kết chặt chẽ những người nông dân với mảnh đất quê hương.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201910/nang-tinh-voi-cay-lua-que-huong-167379