NATO họp bất thường bàn giải pháp chấm dứt căng thẳng Nga - Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để đảm bảo xung đột Nga-Ukraine không diễn biến trầm trọng hơn và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại cuộc họp về tình hình Ukraine ở Brussels, Bỉ, ngày 4.3.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại cuộc họp về tình hình Ukraine ở Brussels, Bỉ, ngày 4.3.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 4.3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức cuộc họp bất thường tại Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine.

Cuộc họp còn có sự tham dự của người đồng cấp Phần Lan, Thụy Điển và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đã luận bàn về phản ứng tức thời của NATO đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo hãng tin Sputnik, ngày 4.3, lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết hơn 700.000 người đã từ Ukraine nhập cảnh vào Ba Lan kể khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia Đông Âu này. Thông báo có đoạn: "Từ ngày 24.2, 706.300 người đã từ Ukraine vào Ba Lan." Cũng theo thông báo, tính đến 21h ngày 4.3 (giờ Hà Nội), lực lượng biên phòng Ba Lan đã đăng ký nhập cảnh cho 59.100 người từ Ukraine.

Ngoài việc điều hàng nghìn binh sỹ tới các nước ở sườn phía Đông, NATO còn lần đầu tiên cho triển khai lực lượng ứng phó với hơn 130 máy bay chiến đấu được đặt trong tình trạng báo động và hơn 200 tàu trên biển.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho các nước xung quanh khu vực căng thẳng, đặc biệt là Gruzia, Bosnia và Herzegovina.

Về quan hệ với Nga, các bộ trưởng NATO nhất trí cho rằng quan hệ giữa hai bên sẽ bị ảnh hưởng lâu dài, song NATO kiên quyết giữ các kênh ngoại giao để tránh leo thang, hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để đảm bảo cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine không diễn biến trầm trọng hơn và không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Liên minh châu Âu thiết lập các trung tâm nhân đạo cho Ukraine

Ủy ban châu Âu ngày 4.3 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở các nước thành viên phía Đông gồm Ba Lan, Romania và Slovaki, đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ y tế để gửi đến các trung tâm này nhằm hỗ trợ Ukraine.

Bên cạnh đó, EU cũng đang hỗ trợ các nước thành viên tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine.

Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu, các trung tâm nhân đạo sẽ giúp phân bổ các nguồn hỗ trợ của 27 nước thành viên EU thông qua Cơ chế Bảo vệ dân sự của EU.

Ông Janez Lenarcic, ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của EU cho biết trong khi hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine đã sang các nước láng giềng, vẫn còn nhiều người tại quốc gia Đông Âu này đang cần hỗ trợ.

Ông kêu gọi thiết lập "các hành lang nhân đạo đảm bảo việc đi lại tự do và an toàn cho dân thường cũng như vận chuyển viện trợ nhân đạo.”

Người tị nạn từ Ukraine tại ga tàu hỏa ở Warsaw, Ba Lan, ngày 3.3.2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Người tị nạn từ Ukraine tại ga tàu hỏa ở Warsaw, Ba Lan, ngày 3.3.2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer cũng nhắc lại các điều khoản trong Công ước Geneva, trong đó yêu cầu các bên phải bảo vệ dân thường. Điều này có nghĩa không được để dân thường tham gia vào các hoạt động quân sự và ngay lập tức tạo lối đi an toàn để người dân sơ tán.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đề nghị các nước thành viên EU thực hiện cách tiếp cận toàn diện, trao cho những người tị nạn cơ chế Bảo vệ tạm thời, cho phép người dân Ukraine đến các nước khác nhau trong EU thay vì ở lại nước mà họ đã nhập cảnh.

Trong cuộc họp trước đó một ngày, các bộ trưởng nội vụ EU cũng nhất trí bảo vệ tạm thời cho người dân Ukraine sơ tán sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, theo đó, khi những người Ukraine hoặc không quốc tịch di cư sang các nước thành viên EU có quyền sống, làm việc và học tập tại đây trong vòng tối đa 2 năm./.

Ngọc Hà

Hương Giang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nato-hop-bat-thuong-ban-giai-phap-cham-dut-cang-thang-nga-ukraine-33983.html