NATO muốn tăng cường hệ thống phòng không: Chỉ tiền thôi chưa đủ!
Chuyên gia cho rằng việc nâng cấp và mở rộng hệ thống phòng không của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chỉ đơn giản là chi thật nhiều tiền, mà đằng sau đó là loạt vấn đề đòi hỏi khối này nhanh chóng giải quyết.
Các quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết tăng cường mạnh mẽ hệ thống phòng không trong khuôn khổ mục tiêu gia tăng ngân sách quốc phòng.
Cuối tháng trước, lãnh đạo 32 quốc gia thành viên trong NATO đã cam kết đầu tư 5% GDP cho quốc phòng và an ninh đến năm 2035. Theo quy mô GDP hiện tại, mức tăng này có thể tương đương hơn 1.400 tỉ USD.
Tổng thư ký NATO - ông Mark Rutte cho biết một phần số tiền đó sẽ được dùng để “tăng gấp năm lần năng lực phòng không”. Ông Rutte nói rằng cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã chứng minh sự cần thiết của việc này.
“Chúng ta chứng kiến hàng ngày các cuộc tấn công từ trên không mà Nga thực hiện ở Ukraine, và chúng ta phải có khả năng tự bảo vệ trước những cuộc tấn công như vậy” - ông Rutte nói.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng việc tăng chi tiêu là cần thiết, đặc biệt đối với hệ thống phòng không mặt đất. Tuy nhiên, NATO không thể kỳ vọng rằng tiền bạc sẽ mang lại giải pháp tức thì, theo trang Business Insider.

Các lãnh đạo chụp hình tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Hà Lan ngày 25-6. Ảnh: NATO
Phương Tây cần hệ thống phòng không và kho tên lửa lớn
Trong nhiều thập niên qua, phương Tây đã cắt giảm hệ thống phòng không khi chủ yếu tham gia các cuộc chiến với đối thủ yếu hơn, không có năng lực tấn công đường không đáng kể.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi căng thẳng giữa NATO và Liên Xô lên cao, các nước phương Tây vẫn duy trì hệ thống phòng không lớn mạnh. Nhưng sau đó, nhu cầu về hệ thống phòng không mặt đất đã giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, các đợt oanh kích của Nga vào Ukraine cho thấy phương Tây cần tăng cường năng lực phòng không.
“NATO đang thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống phòng không mặt đất, cả về số lượng lẫn lượng đạn dự trữ để vận hành” - chuyên gia không quân Justin Bronk thuộc Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
NATO đã bắt đầu hành động, nhưng việc đầu tư không đồng nghĩa với việc vũ khí có thể được sản xuất nhanh chóng.
Ông Bronk cho rằng giải quyết vấn đề này “không chỉ là chi thêm tiền, mà là phải xây dựng năng lực sản xuất ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng càng nhanh càng tốt, như một phản ứng cấp bách trong tình huống khủng hoảng”.
Khó khăn sản xuất chưa thể khắc phục nhanh chóng
Sau Chiến tranh Lạnh, năng lực công nghiệp và sản xuất quốc phòng của phương Tây bị suy giảm nghiêm trọng. Các công ty hợp nhất, nhiều dây chuyền sản xuất chuyên biệt bị đóng cửa, nhân lực bị cắt giảm, kho dự trữ vũ khí cũng thu hẹp – tất cả khiến phương Tây gần như không thể tăng tốc sản xuất vũ khí khi cần thiết.
Hiện nay, các nỗ lực nhằm tăng năng lực sản xuất đang được triển khai. Chẳng hạn, tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) đã mở rộng sản xuất tên lửa đánh chặn PAC-3 cho hệ thống Patriot, đạt 500 quả trong năm 2024 – mức cao kỷ lục tính đến nay – và có kế hoạch tiếp tục nâng sản lượng.
Tập đoàn Boeing (Mỹ) tăng tốc sản xuất bộ dò tìm mục tiêu, còn tập đoàn Raytheon (Mỹ) đang đẩy mạnh sản xuất tên lửa đánh chặn PAC-2, dù vẫn đang vật lộn với lượng đơn hàng tồn đọng khổng lồ. Rheinmetall (Đức) và Lockheed Martin cũng lên kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuất tên lửa tại châu Âu, bao gồm cả PAC-3.
Giám đốc điều hành Rheinmetall - ông Armin Papperger nói với tờ Hartpunkt rằng châu Âu gặp khó trong việc mua tên lửa từ Mỹ do nguồn cung ở đó cũng đang thiếu hụt. Ông cho biết thời gian chờ đợi đôi khi lên tới 10 năm.
Với hệ thống Patriot, nhu cầu gần như luôn vượt xa nguồn cung. Và việc giải quyết đơn hàng tồn không thể diễn ra nhanh chóng.
Công ty quốc phòng châu Âu MBDA đã chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng gấp đôi kể từ sau xung đột Nga-Ukraine. Hồi tháng 4, tạp chí Fortune đưa tin lượng đơn tồn đọng của MBDA có thể cần tới 7 năm để giải quyết với năng lực hiện tại.
Theo tờ Financial Times, công ty này có kế hoạch tăng gấp đôi số giờ lao động và tuyển thêm nhân sự, nhưng Giám đốc điều hành Éric Béranger cho rằng cần nhiều hành động hơn nữa. Ông gọi đây là “khoảnh khắc sự thật” đối với châu Âu và nhấn mạnh việc "công nghiệp hóa nhiều hơn nữa”.

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: ZUMA PRESS
Sản xuất tên lửa đánh chặn tối tân cần nhiều thời gian
Ngay cả khi nhiều công ty gia tăng sản xuất, việc chế tạo các loại vũ khí tinh vi không thể diễn ra trong thời gian ngắn.
Ông Thomas Laliberty – Chủ tịch bộ phận hệ thống phòng thủ đất liền và trên không của Raytheon – nói rằng chỉ riêng việc chế tạo radar cho hệ thống Patriot đã mất tới 12 tháng, mà đây mới chỉ là một phần trong toàn bộ tổ hợp vũ khí hoạt động.
Yếu tố kỹ thuật là vấn đề then chốt. Chuyên gia Bronk nhận định rằng tên lửa tấn công dễ chế tạo hơn: “Chi phí sản xuất tên lửa tấn công thấp hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng hệ thống đánh chặn phòng thủ”.
Các hệ thống phòng thủ là “một trong những thiết bị quân sự tinh vi nhất mà các lực lượng vũ trang sở hữu, và việc sản xuất chúng cần thời gian cũng như nguồn nhân lực có tay nghề cao”, theo Thiếu tướng Lục quân Úc đã về hưu Mick Ryan.
Việc tăng sản lượng đủ mức cần thiết sẽ là “một thách thức”, ông Ryan nói thêm.
Đã có bước tiến, nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Theo giới quan sát, NATO đang đi đúng hướng với một số bước tiến tích cực.
Chuẩn tướng Không quân Hoàng gia Anh đã về hưu - ông Andrew Curtis nói rằng khi các quốc gia thể hiện rõ quyết tâm và cam kết, điều đó giúp trấn an ngành công nghiệp quốc phòng và tạo động lực để họ yên tâm đầu tư.
Thời Chiến tranh Lạnh, việc đầu tư vào cơ sở sản xuất quân sự là “một hoạt động kinh doanh đúng đắn” vì luôn có nhu cầu. Nhưng điều đó đã thay đổi.
Ông Curtis cho rằng ngành công nghiệp quân sự sẽ không đầu tư lâu dài vào những cơ sở tốn kém đòi hỏi lao động tay nghề cao “nếu không có đơn hàng đảm bảo đầu ra”.
Việc tăng cường hợp tác cũng là điều cần thiết. Theo ông Jan Kallberg, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), NATO đang gặp vấn đề về văn hóa làm việc vì các nước thành viên thường hành động riêng lẻ.
“Thách thức lớn nhất với NATO không phải là tiền, mà là sự phối hợp” - ông Kallberg nói.
Nhiều công ty cùng phát triển các hệ thống tương tự nhau khiến chi phí bị nhân đôi và gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Nếu khắc phục được tình trạng này, “sẽ giải phóng được một lượng lớn nguồn lực”, theo ông Kallberg.
Gần đây, đã có những tiến triển khi ngày càng nhiều công ty và quốc gia cùng hợp tác. Các nước Bắc Âu đang tích hợp hệ thống phòng không để hoạt động như một khối thống nhất, đồng thời có kế hoạch chung về phòng không.
Thay đổi cũng đang diễn ra ở cấp cao nhất. Ủy ban châu Âu đang đề xuất các biện pháp mới nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy mua sắm chung và hỗ trợ hàng tỉ USD đầu tư.
Tuy nhiên, chuyên gia Kallberg cảnh báo: “Văn hóa thì mất nhiều thời gian để thay đổi hơn là việc mua sắm khí tài”.