NATO và EU bị Ukraine chỉ trích là thiếu đoàn kết và hành động
Các dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ giữa Ukraine với các đối tác phương Tây đang ngày càng thể hiện rõ hơn trong những ngày qua khi các quan chức hàng đầu của Ukraine lên tiếng chỉ trích công khai sự thiếu đoàn kết và hành động của các nước phương Tây.
Xuất hiện trong phiên thảo luận chiều 25/5 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos (Thụy Sỹ), Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba chỉ trích công khai khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO khi cho rằng với tư cách là một liên minh và một thiết chế, “NATO trên thực tế đã đứng ngoài lề và không làm bất cứ điều gì” nhằm giúp Ukraine ứng phó với cuộc chiến giữa nước này với Nga.
Ngoại trưởng Ukraine cũng nhận xét rằng vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraine mới nổ ra, “có một suy nghĩ chung của dư luận rằng NATO là một lực lượng mạnh trong khi Liên minh châu Âu chỉ có khả năng bày tỏ các mối quan ngại” nhưng sự thật hiện nay là ngược lại, khi EU mới là bên đưa ra những quyết định mang tính cách mạng mà chính khối này cũng không ngờ tới, khác với NATO. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Dmytro Kuleba lập tức chỉ trích việc EU chậm trễ trong việc đưa ra gói trừng phạt mới với Nga.
“Chúng tôi thất vọng, ít nhất là thế, khi thấy gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu hiện đang bị treo bởi lá phiếu phủ quyết, trên thực tế là do Hungary đưa ra” - ông Dmytro Kuleba nói.
Trước các phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, trong ngày thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế thế giới- Davos 2022, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cũng đã lên tiếng chỉ trích sự “thiếu đoàn kết” của các nước phương Tây trong việc giúp Ukraine lập mặt trận thống nhất đối phó với Nga. Tuy không nêu đích danh các nước phương Tây nhưng Tổng thống Ukraine trước đó nhiều lần cho rằng một số nước châu Âu đang phân biệt đối xử với Ukraine khi xét duyệt hồ sơ xin gia nhập EU của nước này.
Đây là chủ đề đang tạo ra rạn nứt lớn giữa Ukraine với 2 cường quốc đầu tàu của EU là Pháp và Đức. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây đều tuyên bố không ủng hộ việc sớm kết nạp Ukraine làm thành viên EU theo “đường tắt” và cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của EU có thể kéo dài vài thập kỷ. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune thì cho rằng tiến trình này kéo dài 15-20 năm, đồng thời đề nghị Ukraine xem xét đề xuất của Pháp về việc gia nhập “Cộng đồng chính trị châu Âu” như là bước đệm trước khi thành thành viên của EU. Tuy nhiên, các lãnh đạo Ukraine nhiều lần bác bỏ đề xuất này.
Trong một động thái đáng chú ý khác có thể sẽ khoét sâu thêm rạn nứt giữa Ukraine và EU, trong ngày 25/05 tờ báo “Tấm gương” (Der Spiegel) của Đức trích dẫn một nhận xét của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng “chiến thắng của Ukraine có vẻ như giờ không còn là một phương án” và Đức đang thận trọng chờ đợi việc phía Nga tuyên bố đã đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.
Các phát biểu như trên trong những ngày qua đang khiến chính quyền Ukraine nổi giận, tiêu biểu như bài xã luận trên tờ báo Mỹ New York Times hôm 19/5 hay nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022 hôm 23/5 rằng Ukraine có thể phải có những nhượng bộ đau đớn về lãnh thổ để chấm dứt cuộc chiến hiện nay./.