Nên chọn cá chép sống, cá rán hay cá giấy để cúng ông Công ông Táo?

Cá chép là phương tiện di chuyển của các Táo, lễ vật quan trọng trong lễ cúng 2 tháng Chạp, vậy nên chọn cá chép sống, cá rán hay cá giấy để cúng ông Công ông Táo?

Lễ vật cúng ông Công ông Táo dịp 23 tháng Chạp hàng năm luôn có cá chép, phương tiện di chuyển của các Táo quân khi lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng những sự việc trong năm qua. Nên chọn cá chép sống, cá rán hay cá giấy để cúng ông Công ông Táo là điều khiến nhiều người băn khoăn khi chuẩn bị.

Nên chọn cá chép sống, cá rán, hay cá giấy để cúng ông Công ông Táo?

Cúng cá chép sống và phóng sinh sau nghi lễ tiễn Táo quân là cách làm đúng với truyền thống nhất. Theo quan niệm dân gian, đây là loài vật duy nhất có khả năng vượt vũ môn để hóa rồng, biểu tượng cho sự thăng hoa, phồn thịnh và phát triển, may mắn. Việc thả cá chép sống sau khi cúng mang ý nghĩa phóng sinh, thể hiện lòng từ bi và ước vọng cho một năm mới an lành, phát đạt.

Lưu ý, để bảo bảo ý nghĩa của việc phóng sinh, cần thả cá chép ở những vùng nước sạch, tránh nơi ô nhiễm để cá có thể sống và phát triển. Khi thả, cần nhẹ tay, đưa cá đến sát mặt nước chứ không đổ hay ném từ trên cao. Túi nylon đựng cá chép cần được thu gom đúng chỗ để tránh làm hại môi trường.

Cúng ông Công ông Táo bằng cá chép sống. (Ảnh: Việt Linh Đặng)

Cúng ông Công ông Táo bằng cá chép sống. (Ảnh: Việt Linh Đặng)

Cá chép giấy, như các sản phẩm vàng mã khác, có ý nghĩa thay thế những đồ vật thật để tăng sự giản tiện. Việc cúng cá chép giấy tiễn ông Công ông Táo chầu trời đang trở thành lựa chọn phổ biến trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, phù hợp với những người bận rộn và thích xu hướng tối giản, hay những gia đình sống ở khu vực không có điều kiện thả cá. Cá giấy vừa tiện lợi vừa giữ được giá trị biểu tượng trong nghi lễ.

Cũng với ý nghĩa tượng trưng, nhiều gia đình cúng các món ăn được tạo hình cá chép như xôi, bánh... Đây vừa là thực phẩm trong mâm cúng, vừa coi như phương tiện di chuyển của các Táo.

Cá chép tạo hình từ xôi và bánh xu xê. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Thời xưa ở một số địa phương, người dân cúng cá chép rán trong lễ tiễn ông Công ông Táo. Đây là kiểu "một công đôi việc" của thời khó khăn, thiếu thốn thực phẩm. Hiện tại, việc cúng cá chép rán không phổ biến. Xét về ý nghĩa biểu tượng theo quan niệm dân gian, cá đã bị rán chín sẽ không thể làm vật cưỡi cho Táo quân.

Nói chung, việc chọn cá chép sống, cá rán hay cá giấy để cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào quan niệm cũng như điều kiện của mỗi gia đình.

Vì sao cá chép gắn với Tết ông Công ông Táo?

Truyền thuyết kể rằng cá chép là biểu tượng cho sự hóa rồng, một quá trình tự biến đổi đầy kỳ công và bền bỉ. Trong câu chuyện dân gian, một chú cá chép mạnh mẽ đã vượt qua nhiều thử thách, leo lên thác nước và cuối cùng hóa thành rồng, từ đó có thể bay tới thiên đình. Điều này tượng trưng cho sự trưởng thành, vượt khó và thành công. Chính vì vậy, cá chép được coi là cầu nối giữa thế giới trần gian và thiên đình, là phương tiện giúp Táo quân bay về trời.

Trong văn hóa Á Đông, cá chép còn được coi là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng. Việc thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo không chỉ nhằm mục đích tiễn các Táo về trời, mà còn để cầu mong cho gia đình một năm mới may mắn, sung túc. Người ta tin rằng cá chép sẽ mang theo những điều tốt đẹp khi vượt vượt qua các thử thách để tới nơi thiên đình.

Vì sao cá chép gắn với ngày ông Công ông Táo? (Ảnh: Đắc Huy)

Vì sao cá chép gắn với ngày ông Công ông Táo? (Ảnh: Đắc Huy)

Cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải thả cá chép. Tuy nhiên nếu thực hiện nghi thức này, các gia đình nên mua cá chép chứ không phải loại cá khác, vì chỉ có cá chép mới gắn liền với Táo quân.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nen-chon-ca-chep-song-ca-ran-hay-ca-giay-de-cung-ong-cong-ong-tao-ar921306.html