Nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí

Sáng nay (28/11), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với 67 ý kiến phát biểu. Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Đối với từng nhóm chính sách, các điều, khoản cụ thể trong dự thảo luật, các vị đại biểu cũng đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi trên mạng thông tin của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lưu ý các nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất phổ thông, thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phương pháp tính thuế…

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), cho rằng hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

ĐB Thạch Phước Bình đóng góp ý kiến tại phiên họp

ĐB Thạch Phước Bình đóng góp ý kiến tại phiên họp

Bên cạnh đó, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí.

ĐB đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tại nhà Quốc hội

Các đại biểu tại phiên thảo luận tại nhà Quốc hội

Cùng chung quan điểm, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí.

Theo đó, ĐB đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có thể giảm xuống 5%. Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao. Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí...

ĐB Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại phiên họp

ĐB Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại phiên họp

Đóng góp ý kiến về thuế thu nhập đối với các cơ quan báo chí, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phân tích, báo chí hiện nay rất khó khăn. Nếu đánh thuế trên thu nhập của báo chí sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Do đó, ĐB đề xuất đưa báo chí vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, được ưu đãi về thuế.

Mai Loan

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nen-co-chinh-sach-ho-tro-nhieu-hon-nua-doi-voi-cac-co-quan-bao-chi_170581.html