Phó thủ tướng lý giải lý do chỉ đề xuất giảm tiếp thuế VAT trong 6 tháng
Thuế chỉ là một giải pháp, muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách, theo Phó thủ tướng.
“Chúng tôi cũng thấy buồn khi chúng ta bàn về chuyện giảm thuế, bởi vì quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào ngân sách”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói sau khi nghe ý kiến đại biểu về đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, chiều 28/11 tại Quốc hội.
Tương tự một số lần trước, lần này Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng chính sách là từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị rút kinh nghiệm của năm 2023, 2024, thay vì giảm 6 tháng rồi lại họp xin điều chỉnh kéo dài đến cuối năm, lần này thời gian thực hiện nên áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến ngày đến hết ngày 31/12/2025.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) nói, việc ngắt quãng chính sách khiến cho doanh nghiệp bị động trong đầu tư, vì thế “khi ban hành các chính sách chúng ta cố gắng dài hạn một chút”.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng không khỏi băn khoăn khi các chính sách tài khóa điều hành thường chỉ ngắn hạn, chính sách tiền tệ cũng thế. Chúng ta đã áp dụng việc giảm thuế VAT này đến mấy năm, gần sang năm thứ ba, và giờ lại tiếp tục thêm 6 tháng nữa.
Hồi âm băn khoăn của đại biểu, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói, thuế suất thuế giá trị gia tăng của Việt Nam so với thuế của thế giới thì quá thấp. Hiện nay của Trung Quốc đang còn 17%, của Ấn Độ 17% và của Israel 17%, England 24%, còn châu Âu là từ 20% cho đến 25%. Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển thuế suất 25% , Bỉ là 21% và Pháp là 20%.
“Như vậy, thuế suất của Việt Nam chưa bằng 50% của thuế suất các quốc gia trên thế giới đưa ra. Bây giờ giảm thì ngân sách 6 tháng giảm đi khoảng 26.000 tỷ và 26.000 tỷ này các tỉnh và các bộ, ngành phải nỗ lực để làm thế nào đảm bảo được dự toán ngân sách. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị ở mức 6 tháng, bởi vì trong năm 2025 sẽ chưa lường trước được những khó khăn, đặc biệt các vấn đề về xuất khẩu, thuế từ Hải quan…”, Phó thủ tướng giải thích.
Ông Phớc cũng nhắc lại ý kiến đại biểu, thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta hiện nay đang còn duy trì, tuy nhiên cũng phải dự phòng lường trước những trường hợp khi họ nâng thuế nhập khẩu lên thì hàng hóa của chúng ta sẽ rất khó khăn, cho nên việc giảm thuế tính trong vòng 6 tháng.
“Chúng tôi cũng thấy buồn khi chúng ta bàn về chuyện giảm thuế, bởi vì quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào cho ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách, không phải đi vay nước ngoài, không phải vay của dân nữa, đó mới là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững”, ông Phớc bày tỏ.
Vẫn theo Phó thủ tướng, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế. Thuế chỉ là một giải pháp, muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách, ví dụ như gỡ những vướng mắc trong các vấn đề sản xuất, kinh doanh, cấp phép, giải quyết các thủ tục về đất, hỗ trợ gói tín dụng, thị trường, nguồn nhân lực và công nghệ…chứ không phải thuế.
“Thuế thì giảm được khoảng 26.000 tỷ mà chia cho gần 1 triệu doanh nghiệp thì chỉ khoảng 30 triệu/1 doanh nghiệp, không thấm tháp gì nhưng đây cũng là một sự động viên để doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn”, Phó thủ tướng nói.