Nên đưa hoạt động vận tải hàng hóa bằng động vật vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Đường bộ
Cuối giờ sáng 21/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên thảo luận...
Làm rõ các nội dung liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, được quy định tại khoản 10 Điều 56: là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ để vận tải hành khách theo hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm thuê cả người lái xe.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong quy định trên cần làm rõ một số nội dung: Về xe chở người có 4 bánh, có gắn động cơ. Trong dự thảo Luật Đường bộ có khái niệm xe chở người có 4 bánh, có gắn động cơ là một loại phương tiện không phải ô tô để phân biệt với ô tô. Tuy nhiên, trong tiêu chuẩn Quốc gia 6211 năm 2003, quy định về phương tiện giao thông đường bộ kiểu thuật ngữ và định nghĩa ô tô là loại phương tiện giao thông có từ 4 bánh xe trở lên, không chạy trên đường ray và dùng để chở người.
Như vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, khái niệm xe 4 bánh có gắn động cơ chính là ô tô theo tiêu chuẩn Quốc gia nên khái niệm xe chở người 4 bánh có gắn động cơ được đưa vào đây là thừa. Cho nên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên nghiên cứu dùng một khái niệm khác chính xác hơn và bổ sung vào phần giải thích từ ngữ.
Thứ hai, về hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, quy định cụ thể về hai loại hình thức hợp đồng này chưa bao chứa hết các hình thức hợp đồng vận tải hành khách trong thực tế. Vì hợp đồng có thể bằng văn bản giấy, bằng văn bản điện tử hoặc qua tin nhắn hoặc hợp đồng miệng. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung cụm từ “và các hình thức hợp đồng khác theo quy định”.
Đối với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nội dung này chưa bao quát được hết các nhu cầu thuê xe vận tải hành khách. Vì trên thực tế việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn bao gồm người thuê vận tải không thuê cả chuyến xe. Nên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị dự thảo Luật này phải có điều chỉnh, quản lý đối với loại hình vận tải này, bỏ cụm từ “có nhu cầu thuê cả chuyến xe” trong dự thảo và giao cho Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề cụ thể để quản lý loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách này.
Cần điều chỉnh hoạt động vận tải thực hiện trực tiếp bằng động vật
Quan tâm đến nội dung quy định tại Điều 56, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 có quy định khái niệm về hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ và xe cơ giới để vận tải người hoặc hàng hóa trên đường bộ. Nghĩa là dự thảo Luật chỉ điều chỉnh hoạt động vận tải bằng các loại xe là xe thô sơ và xe cơ giới, mà không điều chỉnh hoạt động vận tải được thực hiện trực tiếp bằng động vật.
“Trong Báo cáo 839/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ có giải thích ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Báo cáo dẫn chiếu tới Điều 35 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe súc vật kéo. Tuy nhiên ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị là có cân nhắc điều chỉnh động vật trực tiếp vận tải trong dự thảo Luật này hay không?” - đại biểu Nguyễn Hải Dũng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, đại biểu Dũng cho biết, tại các tỉnh miền núi phía, đồng bào vẫn dùng ngựa thồ để vận chuyển hàng hóa, giúp giải phóng sức người rất tốt. Đây cũng chính là một hình thức vận tải hàng hóa trên đường bộ. Do đó, đề nghị cần phải xem xét đưa hoạt động vận tải hàng hóa trực tiếp bằng động vật vào điều chỉnh trong dự thảo Luật này…
Sẽ tiếp tục rà soát theo nguyên tắc hợp lý tương đối và không mâu thuẫn
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới ghi nhận các ý kiến sâu sắc, toàn diện của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đa số ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật. Cùng với đó các ý kiến cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điểm lại các nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội đã nêu như: bổ sung quy định về xe hợp đồng, kinh tế chia sẻ, đường biên giới, vấn đề quy hoạch, kết nối, vốn đầu tư đường bộ, giải thích từ ngữ, xe điện chở khách du lịch, quy chuẩn tiêu chuẩn đường cao tốc, về đường thôn xóm, về biển báo, bổ sung điều cấm, về kinh doanh vận tải đường bộ, thẩm quyền đặt tên đường bộ, đường trên cao, đường ngầm, kết cấu hạ tầng đường bộ, phí sử dụng đường bộ trong nội đô, lắp đặt biển tuyên truyền quảng cáo, dữ liệu, trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí ngừng hoạt động, tổ chức giao thông, khai thác hạ tầng đường giao thông đường bộ, vận tải hàng hóa bằng động vật,…
Nhấn mạnh, đây đều là các ý kiến trách nhiệm, trí tuệ, phong phú về thực tế và toàn diện về pháp luật và kĩ thuật lập pháp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến phát biểu và sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Làm rõ thêm ý kiến đại biểu về việc còn sự trùng lặp giữa Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, 2 luật này được tách ra từ Luật Giao thông Đường bộ. Hai Luật có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết, không thể thiếu. Dù các cơ quan đã rà soát chặt chẽ, kỹ càng, có sự bóc tách hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu về mặt pháp lý nhưng vẫn có sự giao thoa tương đối như vấn đề tổ chức giao thông… Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát theo nguyên tắc hợp lý tương đối và không mâu thuẫn nhau để quy định phạm vi điều chỉnh một cách hợp lý.
Đề nghị bổ sung một số nội dung cơ bản
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Qua thảo luận, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan hữu quan theo sự chỉ đạo để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.
Các nội dung dự thảo luật đã kết tinh được công sức và trí tuệ của cả hệ thống chính trị và người dân; các ý kiến cơ bản nhất trí về bố cục, nội dung cụ thể của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đề nghị bổ sung các nội dung cơ bản sau:
Đề nghị rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giữa hai luật, chấp nhận sự giao thoa nhưng không được mâu thuẫn và rõ phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất của các điều luật, các khoản trong các điều luật và bảo đảm tính khả thi.
Bổ sung giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm, chính sách phát triển đường bộ, huy động nguồn lực xây dựng mạng lưới đường bộ, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng, ưu tiên phát triển một số loại đường, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quỹ đất dành cho đường bộ, không gian ngầm, giới hạn trên cao, loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách công cộng, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, sử dụng đất hành lang an toàn các loại đường bộ, đê điều, quy định lắp đặt biển báo an toàn giao thông, biển quảng cáo, biển tuyên truyền tránh hiệu ứng ánh sáng, tiếng động ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông…