Nền kinh tế giữ xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước
Sáng 5/8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết căn bản một số vấn đề tồn đọng, nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng vừa qua cơ bản ổn định. Chính phủ đã chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, bộc lộ rõ nét hơn trước các thách thức từ bên ngoài, nhất là từ cuối năm 2022 và trong những tháng đầu năm 2023, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Đồng thời, công tác an sinh xã hội được làm tốt; các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn cũng được khẩn trương, quyết liệt cụ thể hóa.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, tính chung 7 tháng, Chính phủ ban hành 50 Nghị định, 130 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 quyết định quy phạm pháp luật, 945 quyết định cá biệt, 23 chỉ thị. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Riêng trong tháng 7, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc tiến độ các dự án cao tốc trọng điểm, quan trọng quốc gia, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về cung ứng vật liệu xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Gia Nghĩa - Chơn Thành…
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số được cải thiện
Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, nhiều chỉ tiêu, chỉ số đã cải thiện hơn, tạo đà cho quý III và cả năm.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; thu NSNN 7 tháng ước đạt 62,7% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 2,2%, 2,1%, 2,4%; 07 tháng ước xuất siêu 16,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 1,34 tỷ USD); giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (34,47%) với số tuyệt đối cao hơn gần 81.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022; vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.
"Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Tham mưu những nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng áp lực tăng trưởng là rất lớn nên cần thúc đẩy hơn nữa các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh tới đây, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an sinh, đời sống người dân; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách./.