Nền kinh tế không chỉ chịu áp lực về tăng trưởng

Nền kinh tế đang đứng trước nhiều áp lực không chỉ về tăng trưởng, mà cả về kiểm soát lạm phát, sau nhiều năm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Chỉ số giá sản xuất luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Chỉ số giá sản xuất luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Phấp phỏng khi lạm phát cán ngưỡng 4%

Việc Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng tới 4,03%, tức là đã vượt ngưỡng 4% - mức cận dưới của mục tiêu kiểm soát lạm phát 4-4,5% trong năm 2024, đang trở thành một nỗi lo của nền kinh tế.

Con số này được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/5 và cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, tổ chức vào cuối tuần qua. Theo đó, CPI tháng 5/2024 dù chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, nhưng lại tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mức tăng là 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm (4-4,5%) và có xu hướng tăng qua từng tháng. Nếu CPI tháng 1/2024 tăng 3,77%, thì 2 tháng tăng 3,67%; 3 tháng tăng 3,77%; 4 tháng tăng 3,93%; và bây giờ - 5 tháng, tăng 4,03%.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh những áp lực trong điều hành vĩ mô, cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. “Áp lực lạm phát gia tăng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định. Điều này không phải tới bây giờ mới được nhắc tới, mà thực tế luôn thường trực trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể từ đầu năm đến nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. Cộng hưởng với đó là những dự kiến về điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…

Áp lực lạm phát cũng chính là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề cập trong các phiên thảo luận tại nghị trường mới đây. Mà khi thảo luận, các số liệu được báo cáo vẫn chỉ là của tháng 4 và 4 tháng, khi CPI tháng 4/2024 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 4 tháng mới gần chạm ngưỡng 4% (tăng 3,93%).

“Áp lực lạm phát là hiện hữu, do có nhiều yếu tố, như giá cả hàng hóa thế giới bất định, tiềm ẩn rủi ro khi xung đột địa chính trị cao trào và tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói.

Vị đại biểu này cũng đề cập việc giá xăng dầu thế giới tăng kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng, chi phí giao thông, vé máy bay, giá thuê nhà cũng tăng theo. “Tỷ giá USD và giá vàng biến động mạnh cũng tạo tâm lý tăng giá cả hàng hóa”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lo khó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay, khi CPI tiến tới ngưỡng thấp nhất Quốc hội cho phép, trong khi từ tháng 7 tới, sẽ cải cách tiền lương, kéo theo tăng giá một số mặt hàng…

Lo cho sản xuất - kinh doanh

Cẩn trọng với lạm phát, thận trọng trong điều hành giá cả thị trường là điều đã được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, điều khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo lắng không chỉ là câu chuyện giá cả tiêu dùng, liệu tốc độ tăng CPI năm nay sẽ ở mức bao nhiêu, có đạt mục tiêu Quốc hội quyết nghị hay không, mà còn là chuyện sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, nhiều dự báo cho rằng, lạm phát năm nay sẽ chỉ xoay quanh ngưỡng 4-4,5%. Hồi tháng 4/2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 4% trong năm 2024 và 2025. Dù cho rằng, lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ ở dưới mức mục tiêu 4 - 4,5%, song ADB nhận định, áp lực trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ mức 3,2% năm 2023 lên 3,5% trong năm 2024…

Liệu CPI năm nay sẽ diễn ra theo chiều hướng nào? Câu trả lời chính xác chưa dễ có được, song thực tế cũng khó có thể tăng đột biến. Vấn đề nằm ở chỗ, có một điểm khác biệt trong diễn biến CPI năm nay, đó là áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất).

Hơn một lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cảnh báo rằng, đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Chỉ số giá sản xuất, những năm gần đây, luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu, dòng tiền gặp khó khăn, mà giá đầu vào tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, doanh nghiệp còn đang đối mặt với những vấn đề về tỷ giá. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước đó; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.

Thậm chí, sẽ không dừng ở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Khi tỷ giá chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, thì sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước. Và tất nhiên, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu hệ lụy.

“Tỷ giá bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, đó là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường kiểm soát”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói.

Có lẽ, vấn đề hiện nay không chỉ là kiểm soát giá cả thị trường, mà còn phải xử lý cả các vấn đề về tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng, thị trường bất động sản…, bởi nếu không, về lâu dài, sẽ gây bất ổn vĩ mô.

“Thị trường vàng, thị trường ngoại hối, thị trường tài chính nói chung còn có những bất ổn, đặc biệt là có dấu hiệu lạm phát, vàng tăng giá một cách mất kiểm soát dẫn đến sự bất ổn định trong hệ thống kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát lạm phát”, đại biểu Vũ Đại Thắng (Quảng Bình) cũng nhấn mạnh như vậy.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, lạm phát là vấn đề “cần đặc biệt lưu ý”, “theo dõi sát” để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải thực hiện truyền thông một cách thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nen-kinh-te-khong-chi-chiu-ap-luc-ve-tang-truong-d216577.html