Nền kinh tế Mỹ có thể 'hạ cánh mềm', hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc đang khởi sắc

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoan nghênh việc lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12/2022, mở đường cho khả năng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tới.

Mỹ: Các quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất tốc độ chậm hơn. (Nguồn: iStock)

Mỹ: Các quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất tốc độ chậm hơn. (Nguồn: iStock)

Số liệu của chính phủ công bố ngày 12/1 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 12 giảm so với tháng trước đó lần đầu tiên trong hơn 2 năm rưỡi và lạm phát cơ bản tăng chậm lại.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 12 tăng 5,7%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và là dấu hiệu mới nhất cho thấy, nỗ lực tăng lãi suất của Fed đã mang lại kết quả như mong muốn.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond Tom Barkin cho rằng, ông ủng hộ việc tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn và việc tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn sẽ phụ thuộc vào tình hình lạm phát.

Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Philadelphia Patrick Harker nhận thấy, mức tăng 25 điểm cơ bản trong thời gian tới là hợp lý và cần dừng tăng khi lãi suất vượt 5%.

Fed đặt mục tiêu lãi suất trong khoảng 4,25-4,5% tại cuộc họp vào tháng 12/2022.

Các số liệu được công bố sau đó cho thấy lạm phát giảm và thị trường việc làm tăng khiêm tốn so với tốc độ tăng mạnh về việc làm và lương trong phần lớn năm 2022.

Số liệu lạm phát mới công bố cho thấy, nền kinh tế có thể "hạ cánh mềm" như hy vọng của Fed và cho phép các nhà hoạch định chính sách trong tuần này cân nhắc việc tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản như thường thấy trong những thập kỷ gần đây.

* Người dân Trung Quốc đang ngày càng di chuyển nhiều hơn sau khi nước này đột ngột đảo ngược các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong tháng 12/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế và tiêu dùng đang dần phục hồi trong năm nay.

Lưu lượng hành khách đi tàu điện ngầm ở ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc, số lượng chuyến bay cho đến doanh thu phòng vé đều tăng kể từ cuối tháng 12/2022.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn thận trọng về tốc độ phục hồi sau khi mở cửa.

Ông Louise Loo, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics nhận định, sự sụt giảm chi tiêu cho thấy sẽ cần thời gian để đảo ngược tác động tâm lý tiêu cực đối với người tiêu dùng Trung Quốc sau ba năm phong tỏa kéo dài.

Ngoài ra, chuyên gia Loo cho biết, đà phục hồi nhanh chóng cũng bị cản trở bởi sự thay đổi khả năng thanh khoản của các hộ gia đình trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-kinh-te-my-co-the-ha-canh-mem-hoat-dong-tieu-dung-tai-trung-quoc-dang-khoi-sac-213272.html