Nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến sự hỗn loạn

Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế toàn cầu, và liệu rằng chúng ta có trải qua một cuộc hạ cánh mềm hay không?

Lo lắng về tăng trưởng kinh tế đã được thể hiện rõ qua diễn biến gần đây của thị trường lợi suất trái phiếu tăng lên và thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vào đầu năm, một cuộc suy thoái ở các nền kinh tế phương Tây đã được dự đoán rộng rãi, nhưng điều này đã không trở thành hiện thực. Hầu hết các nền kinh tế đã tỏ ra khá kiên cường. Mặc dù lạm phát thấp hơn sẽ thúc đẩy chi tiêu, nhưng yếu tố quyết định chính cho tăng trưởng sẽ là lãi suất và lợi suất trái phiếu ổn định.

Điều nguy hiểm là các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn hơn và chịu chi phí cao hơn để huy động vốn do khủng hoảng tín dụng, điều kiện cho vay khó khăn và môi trường rủi ro hơn trên thị trường vốn.

Một phong vũ biểu tốt cho tư duy đồng thuận là các dự báo kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào cuối tháng 7, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ 3,5% năm ngoái xuống còn 3% trong năm nay và năm tới.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024

Không chỉ vậy, với 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay dự kiến đến từ châu Á, điều này giải thích tại sao có quá nhiều lo lắng về những tin tức kinh tế tồi tệ gần đây từ Trung Quốc.

Trong khi đó, hiện đang có mối lo ngại về giảm phát ở Trung Quốc. Nhưng lạm phát thấp có nhiều khả năng xảy ra hơn. Hơn nữa, sẽ phù hợp hơn khi xem xét về một môi trường giảm phát nếu cả giá cả và sản lượng đều giảm, và Trung Quốc đang không ở trong tình trạng đó.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có sự chuyển đổi đáng kể sang chính sách kinh tế tuần hoàn kép. Sau cuộc chiến thương mại với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc tìm cách tiến tới tự cung tự cấp trong các lĩnh vực như thực phẩm, nhiên liệu và công nghệ. Sự thay đổi cấu trúc như vậy sẽ là một thách thức vào thời điểm tốt nhất nhưng nó lại trùng hợp với một môi trường chính sách thận trọng hơn, vừa để kiềm chế lạm phát vừa để hạn chế tình trạng nợ ngày càng gia tăng.

Cộng thêm dân số ngày càng giảm trong tương lai và kết quả cuối cùng là tốc độ tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc sẽ chậm hơn và thất thường hơn so với trước đây. Đây không phải là lúc để hoảng sợ mà là lúc để nhận ra sự thay đổi cơ cấu như vậy. Hơn nữa, ở những nơi khác trên khắp châu Á, có bằng chứng về hoạt động của khu vực tư nhân đang diễn ra tốt đẹp và sự phục hồi kinh tế đang diễn ra ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Áp lực giá đang giảm ở Trung Quốc

Áp lực giá đang giảm ở Trung Quốc

Cho đến hai năm trước, các nền kinh tế phương Tây đã chứng kiến thời kỳ tiền rẻ kéo dài hàng chục năm. Điều này bao gồm việc lãi suất chính sách được giữ ở mức quá thấp trong thời gian dài và việc các ngân hàng trung ương in tiền liên tục. Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình to. Tiền không chỉ rẻ mà còn có sẵn rộng rãi. Thanh khoản toàn cầu rất dồi dào.

Tiền rẻ dẫn đến lạm phát giá tài sản, cho phép thị trường định giá rủi ro không chính xác, dẫn đến phân bổ vốn sai, bao gồm cả sự tồn tại của các công ty xác sống và nó cũng giúp thúc đẩy lạm phát gia tăng.

Những quốc gia áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tiền tệ đang ở vị thế tốt hơn nhiều để hành động ngay bây giờ. Những điều này phần lớn nằm ở các nền kinh tế mới nổi. Ví dụ, trong những tuần gần đây, Chile và Brazil đã có thể cắt giảm lãi suất. Họ đã thắt chặt chính sách tiền tệ một cách hợp lý trước khi lạm phát gia tăng và vì vậy giờ đây họ có thể nới lỏng chính sách để chống lại sự suy yếu của nền kinh tế.

Trung Quốc cũng tương tự khi đã cắt giảm lãi suất vào tuần trước, và mặc dù hành động đó là để đối phó với nền kinh tế đang chậm lại, nhưng còn dư địa để cắt giảm lãi suất là do sự thận trọng trước đây của nước này.

Hiện tại có một mối lo ngại về lãi suất chính sách ở Mỹ, Anh và khu vực đồng euro sẽ tăng quá cao. Ngay cả khi lãi suất đạt đỉnh, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ thắt chặt chính sách bằng cách thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua thắt chặt định lượng. Điều này là không tốt cho tăng trưởng kinh tế.

Hiện chưa rõ thị trường sẽ phản ứng với điều này như thế nào. Trái phiếu chính phủ thường được xem là một tài sản phi rủi ro. Trong thời kỳ đại dịch, 1/3 trái phiếu chính phủ trên toàn cầu được giao dịch với lãi suất âm, có nghĩa là các nhà đầu tư xem đây là những khoản đầu tư thực sự an toàn. Trên thực tế, các chính phủ còn nhận được lợi ích khi đi vay.

Giờ đây, trong ba năm qua do lạm phát, lãi suất chính sách tăng và thanh khoản toàn cầu thắt chặt hơn, trái phiếu chính phủ đã chứng kiến tổng lợi nhuận âm. Do đó nếu nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ, họ sẽ bị mất tiền.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã có sự thay đổi trên thị trường tài chính với sự gia tăng của ngân hàng ngầm. Báo cáo mới nhất từ Ủy ban ổn định tài chính (FSB) về quy mô của ngân hàng ngầm cho thấy vào cuối năm 2021, tổng tài sản tài chính đã tăng lên 485.000 tỷ USD. Và số tiền được cung cấp bởi các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã lên tới gần một nửa con số này, khoảng 239.000 tỷ USD.

Tài sản thế chấp - thường dưới dạng trái phiếu chính phủ và các khoản trái phiếu an toàn khác – đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống này. Nếu sự bất ổn tài chính diễn ra rộng hơn và khiến tâm lý lo ngại rủi ro lớn hơn, có nghĩa là các điều kiện thanh khoản toàn cầu sẽ tự nhiên thắt chặt hơn nữa. Do đó, ổn định lãi suất chính sách và lợi suất trái phiếu có thể trở nên cực kỳ quan trọng.

Theo nhà kinh tế học Gerard Lyons, trọng tâm đang chuyển từ lạm phát sang tăng trưởng. Tiếp theo đó, trọng tâm của thị trường tài chính sẽ chuyển sang nợ. Mức nợ công và nợ tư nhân trên toàn cầu đang ở mức cao sẽ hạn chế khả năng vận động chính sách và khiến nhiều người và doanh nghiệp phải đối mặt với lãi suất cao trong thời gian dài. Do đó, hãy thận trọng vào thời điểm này.

Vũ Duy Bắc / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nen-kinh-te-toan-cau-dang-huong-den-su-hon-loan-post328471.html