Nên luật hóa nghĩa vụ chuyển giao công nghệ với hợp đồng điện hạt nhân

PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt NamDự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nên bổ sung một điều quy định về phát triển điện hạt nhân, trong đó tuyên bố chính sách dài hạn, bền vững của quốc gia về phát triển điện hạt nhân với mục tiêu phải chiếm một tỷ lệ hợp lý trong cán cân cung cấp điện năng và chúng ta có khả năng làm chủ, phát triển công nghệ để vận hành an toàn, khai thác hiệu quả. Đồng thời, luật hóa nghĩa vụ chuyển giao công nghệ đối với hợp đồng điện hạt nhân.

Tuyên bố chính sách dài hạn để hình thành hệ sinh thái hạt nhân

Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) và Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57); đồng bộ với các luật khác; tuân thủ quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như khắc phục bất cập của Luật Năng lượng nguyên tử 2008. Đến nay, dự thảo 5 đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về sửa đổi Luật, song vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt nhất.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đối với phê duyệt chủ trương đầu tư, dự thảo cần bổ sung thêm điều kiện đặc thù của dự án điện hạt nhân theo quy định.

Cùng với đó, nên có riêng một điều về “Cấp phép hoạt động điện lực về phát điện của nhà máy điện hạt nhân” để rõ ràng, minh bạch, tránh bị hiểu nhầm Bộ Công Thương cấp phép hoạt động điện lực về phát điện là cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân. Để được cấp phép hoạt động điện lực về phát điện, ngoài các yêu cầu theo Luật Điện lực, cần có giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân do Cơ quan pháp quy hạt nhân cấp. Đây là điều kiện cần để được cấp phép hoạt động điện lực về phát điện của nhà máy điện hạt nhân.

Dự thảo cũng cần quy định rõ Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, là đầu mối quản lý về an toàn hạt nhân của đất nước. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm cấp phép cho các giai đoạn của dự án điện hạt nhân để phù hợp với hướng dẫn của IAEA và Công ước An toàn hạt nhân mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn ngày 15.7.2010.

Trong Chương II về “Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử” nên bổ sung một điều quy định về phát triển điện hạt nhân, trong đó tuyên bố chính sách dài hạn, bền vững của quốc gia về phát triển điện hạt nhân với mục tiêu điện hạt nhân phải chiếm một tỷ lệ hợp lý trong cán cân cung cấp điện năng và chúng ta có khả năng làm chủ, phát triển công nghệ để vận hành an toàn, khai thác hiệu quả cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng điện hạt nhân.

Song song, dự thảo cần luật hóa nghĩa vụ chuyển giao công nghệ đối với hợp đồng điện hạt nhân; có chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nội địa hóa; có chính sách về đầu tư vào các trường đại học kỹ thuật, viện nghiên cứu, phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế phục vụ chương trình nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân. Trên cơ sở tuyên bố chính sách như vậy trong Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện bằng các chương trình và dự án cụ thể, tiến đến hình thành hệ sinh thái công nghệ điện hạt nhân của Việt Nam.

Xem xét chấp nhận thiết kế của Cơ quan pháp quy hạt nhân nước ngoài

Theo hướng dẫn của IAEA và quy định của Công ước An toàn hạt nhân, có 6 giai đoạn của dự án điện hạt nhân phải chịu sự quản lý của Cơ quan pháp quy hạt nhân bằng hình thức cấp phép, phê duyệt hay kiểm soát an toàn. Đó là giai đoạn phê duyệt địa điểm; thiết kế; chế tạo và xây dựng; vận hành thử; vận hành và chấm dứt hoạt động (giải phóng khỏi trách nhiệm quản lý pháp quy hạt nhân). Đối với mỗi giai đoạn, dự thảo Luật cần có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hay tổ chức vận hành; trách nhiệm của Cơ quan pháp quy hạt nhân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; và điều kiện để được cấp phép. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới có căn cứ để hướng dẫn chi tiết.

Cụ thể, về phê duyệt địa điểm, theo hướng dẫn của IAEA thì giai đoạn này không cần Báo cáo phân tích an toàn vì các đánh giá an toàn của địa điểm đã có trong báo cáo về khảo sát và đánh giá an toàn địa điểm. Dự thảo luật cần làm rõ trách nhiệm của Cơ quan pháp quy hạt nhân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với giai đoạn phê duyệt địa điểm; quy định rõ trách nhiệm phê duyệt địa điểm là của Cơ quan pháp quy hạt nhân; đồng thời làm rõ các điều kiện để được phê duyệt địa điểm. Chính phủ chỉ được phép quy định chi tiết các nội dung đã được nêu ở trên về trách nhiệm của chủ đầu tư, Cơ quan pháp quy hạt nhân và điều kiện để được phê duyệt địa điểm.

Hướng dẫn của IAEA và Công ước An toàn hạt nhân đều có quy định về phê duyệt thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ quy định này trong luật. Theo kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể đưa quy định về thẩm định, phê duyệt chấp nhận thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đã được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước cung cấp công nghệ cho Việt Nam thẩm định và phê duyệt. Đây cũng là thông lệ trên thế giới. Quy định như vậy sẽ giúp giảm tải cho Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam còn đang hạn chế về năng lực.

Về cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hiện nay đang có ý kiến băn khoăn rằng Bộ Khoa học và Công nghệ không thể đảm nhận được chức năng này mà nên giao cho Bộ Xây dựng là đúng chức năng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại không có khả năng thẩm định báo cáo phân tích an toàn và các hồ sơ liên quan đến an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Vậy Bộ Xây dựng có chấp nhận hồ sơ thẩm định an toàn của Bộ Khoa học và Công nghệ rồi yên tâm ký giấy phép xây dựng không?

Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì khi Bộ Xây dựng đã ký giấy phép xây dựng sẽ phải thực hiện thanh tra và kiểm tra an toàn, kể cả kiểm tra việc chế tạo các thiết bị, cấu kiện và thành phần quan trọng về an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Vậy Bộ Xây dựng có thể làm được việc này, trong khi nhân lực về lĩnh vực an toàn hạt nhân là của Bộ Khoa học và Công nghệ? Nếu Bộ Xây dựng tổ chức một bộ phận như vậy để thực hiện được các chức năng nhiệm vụ của giai đoạn xây dựng thì sẽ rất tốn kém thời gian và công sức mà lại chỉ kiểm soát một khâu xây dựng trong tổng thể 6 khâu của một dự án điện hạt nhân. Làm như vậy sẽ không giống bất kỳ một nước nào trên thế giới đối với quản lý dự án điện hạt nhân. Theo thông lệ quốc tế thì chỉ có Cơ quan pháp quy hạt nhân là thực hiện việc quản lý pháp quy dự án điện hạt nhân cho cả 6 giai đoạn đã nêu.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nen-luat-hoa-nghia-vu-chuyen-giao-cong-nghe-voi-hop-dong-dien-hat-nhan-post410060.html