Nền móng cho việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục đại học
Bộ GD&ĐT tổ chức tham vấn rộng rãi chính sách sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu là xây dựng khuôn khổ pháp lý mới, đủ tầm bao quát để kiến tạo hệ thống giáo dục đại học hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập.
Dưới đây là một số chính sách trọng tâm, đặt nền móng cho việc sửa đổi toàn diện Luật theo hướng phân cấp, thúc đẩy tự chủ, phát huy nguồn lực và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến
Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), chính sách đề xuất xác lập quyền tự chủ pháp định cho các cơ sở giáo dục đại học, trao quyền quyết định toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự, học thuật và tài chính, trừ những trường hợp bị giới hạn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chính sách đơn giản hóa mô hình tổ chức, loại bỏ mô hình “trường thành viên” (trừ đại học quốc gia, đại học vùng) và không bắt buộc thành lập hội đồng trường tại các đơn vị đặc thù như quốc phòng, an ninh.
Chính sách này nhằm chuyển đổi mô hình quản lý từ “kiểm soát” sang “kiến tạo phát triển”, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh chuyển đổi số. Các đại học sẽ vận hành theo mô hình quản trị đơn cấp, rõ ràng về trách nhiệm, giảm chồng chéo và tăng hiệu quả điều hành. Cơ quan Nhà nước chuyển từ quản lý vi mô sang giám sát dựa trên pháp luật và kết quả đầu ra, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đây là bước đi quan trọng để hiện đại hóa mô hình quản trị đại học, thúc đẩy tự chủ thực chất, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy năng lực đổi mới, linh hoạt thích ứng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời.
Chính sách xác định rõ yêu cầu thiết lập khung pháp lý cho nền giáo dục đại học hiện đại, thông qua việc đổi mới chương trình và đa dạng phương thức tổ chức đào tạo.
Theo đó, chương trình đào tạo sẽ được phát triển theo hướng mở, linh hoạt, liên ngành và gắn với thực tiễn, với các hình thức học tập mới như học trực tuyến, học kết hợp, học mô-đun, tích lũy tín chỉ mở.
Đặc biệt, chính sách cho phép công nhận kết quả học tập không tập trung bao gồm tín chỉ lẻ, khóa học ngắn hạn, học từ xa, nếu người học đáp ứng được chuẩn đầu ra. Điều này tạo điều kiện cho người học có thể liên thông, tích lũy và hoàn thiện trình độ theo lộ trình cá nhân, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời trong xã hội hiện đại.
Chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ là cơ sở để các trường tự chủ thiết kế chương trình, giảm mạnh thủ tục phê duyệt hành chính. Qua đó, giải phóng năng lực sáng tạo học thuật và tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo.
Chính sách này góp phần kiến tạo hệ thống giáo dục mở, công bằng, bao trùm, cho phép cơ hội học tập suốt đời, thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế số, xã hội tri thức và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Chính sách xác định: mỗi cơ sở giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo mà còn là tổ chức nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo, đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái tri thức quốc gia.
Thay vì tiếp tục chia tách theo “định hướng nghiên cứu” hay “định hướng ứng dụng”, chính sách lựa chọn xóa bỏ các phân loại cứng nhắc, tạo điều kiện để các trường xác lập vị thế học thuật theo sứ mệnh riêng.
Theo phương án lựa chọn, mọi cơ sở giáo dục đại học đều được luật hóa là tổ chức nghiên cứu và phát triển, được tự xác định mức độ tham gia nghiên cứu, đổi mới, đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển.
Đối với đại học quốc gia, đại học vùng và các trường trọng điểm, Nhà nước sẽ giao sứ mệnh chiến lược cụ thể, đồng thời ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất và nhiệm vụ nghiên cứu có tính chất chiến lược quốc gia.
Chính sách này nhằm kết nối chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thị trường lao động, thúc đẩy sự hình thành của các đại học khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu liên ngành, phòng thí nghiệm mở, và mạng lưới hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước. Qua đó, giáo dục đại học không chỉ cung cấp nhân lực, mà còn trở thành nguồn lực sáng tạo và động lực phát triển kinh tế tri thức.