Nên phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô
Sáng 20.9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tăng số lượng đại biểu HĐND và tỷ lệ đại biểu chuyên trách
Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), với các nội dung cơ bản. Cụ thể, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP. Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội. Tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3 Phó Chủ tịch)…
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù. Đó là, phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND TP. Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… Để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử, dự thảo Luật cho phép UBND TP. Hà Nội thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử…
Tạo cơ chế đột phá, đưa Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, lĩnh vực, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô…
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cơ chế, chính sách đặc thù phải đồng bộ, toàn diện, khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật phải đóng góp được vào mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nêu rõ Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để các quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô; đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ với nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc hoàn thiện toàn bộ nội dung dự thảo Luật cần biên tập theo hướng thiết kế rõ các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt có phân quyền, phân cấp, ưu tiên ủy quyền, trách nhiệm theo từng lĩnh vực; không quy định lại các nội dung, vấn đề đã được các luật khác quy định. Đồng thời, các vấn đề thí điểm ở TP. Hà Nội và các địa phương khác đã được thực hiện có hiệu quả, đã rõ, có sự đồng thuận, thì có thể đưa vào Luật để thực hiện luôn. Những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì chưa đưa vào Luật và đối với những vấn đề đã chín, đã rõ có thể đưa ngay vào Luật và có thể phải kiến nghị mạnh hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, phải cập nhật những nội dung mới đã và đang được Quốc hội xem xét ban hành hoặc sắp ban hành trong Kỳ họp tới.
..
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, phối hợp với Hà Nội xác định những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền ngay trong quá trình soạn thảo.