'Nền sinh thánh' và huyền tích dân gian về sự ra đời của Vua Lê Đại Hành
Trên vùng đất Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân) còn lưu giữ nhiều di tích, hiện vật cổ gắn với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành (941-1005) - vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê. Trong đó, di tích 'nền sinh thánh' và những huyền tích dân gian đã góp thêm những sắc màu tâm linh về sự ra đời của Vua Lê Đại Hành.
“Nền sinh thánh” là cách gọi ngôi miếu nhỏ tọa lạc phía cuối làng Trung Lập, cách đền thờ Lê Hoàn khoảng 500m về phía đông nam. Ngôi miếu rộng khoảng 30m2, nằm cạnh nhà dân.
Huyền tích còn được lưu truyền trong đời sống Nhân dân nơi đây rằng, đây là nơi bà Đặng Thị hạ sinh Vua Lê Đại Hành.
Bà Đặng Thị trải qua cơn trở dạ và vượt cạn một mình, sau đó được người dân đưa trở về nhà. Khi tỉnh dậy, bà vội vã trở lại nơi mình trở dạ để tìm con thì thấy có hai con hổ quỳ hai bên như đang bảo vệ cho con trai của mình. Bà quỳ xuống vái tạ hai con hổ, xin được mang con trai trở về bên mình. Xuất phát từ đó, người dân nơi đây lập ngôi miếu thờ, gọi là “nền sinh thánh”.
Ngôi miếu nhỏ nép mình dưới bóng cây xanh mát. Kiến trúc ngôi miếu đơn giản nhưng vẫn toát lên nét rêu phong, thanh tịnh. Không gian thờ tự bên trong mô phỏng lại huyền tích dân gian với hình ảnh một hài nhi mình trần đóng khố nằm trên bệ, bên cạnh có lọng che. Hai bên là hai con hổ chầu và hình tượng người mẹ mặc áo nâu, đầu chít khăn quỳ trước hai con hổ chắp tay vái.
Để tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của Vua Lê Đại Hành, các thế hệ cháu con nơi đây vẫn luôn duy trì việc hương khói phụng thờ. Du khách gần xa về với “quê vua”, về với đền thờ Lê Hoàn không quên tìm đến ngôi miếu, thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành với đức vua.
Mặc dù có người trông coi, dọn dẹp thường xuyên, nhưng theo thời gian, ngôi miếu đã bị xuống cấp, cần sớm được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo.