Nền tảng cho hành trình xây dựng thành phố xanh
HNN - 'Với sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, phong trào 'Ngày Chủ nhật xanh' đã trở thành nền tảng cho hành trình xây dựng thành phố xanh, sạch, sáng' - Đó là khẳng định của UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Chí Tài với phóng viên Huế ngày nay Cuối tuần.

UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Chí Tài
Thưa ông, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã bước sang năm thứ 6. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tiễn và sức lan tỏa của phong trào trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường tại Huế?
Đến nay, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Điều đáng mừng là phong trào không chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính hình thức hay thời điểm, mà đã dần đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Từ những buổi ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải, xóa điểm đen ô nhiễm cho đến các mô hình xây dựng các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”…, phong trào đã góp phần định hình một lối sống mới: Văn minh hơn, trách nhiệm hơn với cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên, môi trường…
Phong trào cũng đã góp phần xây dựng TP. Huế ngày càng xanh, sạch, sáng và đáp ứng mục tiêu xây dựng TP. Huế là đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu được nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng...
Điều đáng ghi nhận nữa là phong trào đã thu hút sự tham gia đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều người trước đây còn thờ ơ với việc bảo vệ môi trường, nay đã có ý thức tự giác nhặt rác, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông… Đó chính là thước đo rõ ràng nhất cho tính hiệu quả và sự lan tỏa của phong trào.
Trong đợt cao điểm “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển” tại Thuận An, thành phố đã triển khai những mô hình, sáng kiến nào để huy động cộng đồng bảo vệ môi trường biển?
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển” là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố trong năm 2025. Tại bãi biển Thuận An và các bãi biển trên địa bàn thành phố, việc tổ chức các đợt cao điểm như thế không chỉ là hành động kịp thời, thiết thực, mà còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã triển khai một số mô hình và sáng kiến tiêu biểu như: “Bãi biển không rác thải nhựa”; chương trình đổi rác lấy quà; tổ chức các đội hình thanh niên xung kích “vì biển xanh”.

Đoàn viên, thanh niên phường Thanh Thủy ra quân bảo vệ môi trường. Ảnh: Hương Ngô
Những hoạt động này không đơn lẻ mà được lồng ghép với các hoạt động du lịch, lễ hội, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch biển thân thiện, sạch đẹp, từ đó phát huy hiệu quả truyền thông và nhân rộng mô hình.
Cho đến nay có thể nói phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nhiều chương trình, cuộc vận động đã lan tỏa ở nhiều địa phương, trong đó có phong trào “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng không rác”, “Xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Tuyến đường không túi ni lông, không rác thải”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Chúng ta hãy làm sạch biển”,... Đặc biệt, nhiều mô hình hay, ấn tượng như: “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” và đặc biệt là chiến dịch “Hãy làm sạch biển” như vừa nêu cũng được tổ chức, triển khai và duy trì thường xuyên, bền vững.
Việc duy trì phong trào một cách bền vững luôn là thách thức, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng xả rác không đúng nơi quy định tại các khu dân cư và chợ. Thành phố đã và sẽ có những giải pháp gì để phong trào trở thành nếp sống thường nhật của người dân, thưa ông?
Bất kỳ phong trào nào cũng đối mặt với nguy cơ “chùng xuống” nếu thiếu các giải pháp mang tính hệ thống. Đặc biệt với công tác bảo vệ môi trường, nếu chỉ trông chờ vào các đợt ra quân thì không đảm bảo tính bền vững, “tuổi thọ” của phong trào sẽ không cao.
Huế xác định, muốn phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” phát triển bền vững thì phải gắn với ý thức người dân và cơ chế quản lý đồng bộ. Hiện nay, thành phố đang triển khai một số giải pháp như, tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, nhất là hành vi xả rác không đúng nơi quy định, đổ rác sai giờ, sai quy định…Việc xử phạt phải đi đôi với công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng pháp luật về bảo vệ môi trường và đồng thuận cao trong Nhân dân; phát triển hệ thống thu gom, phân loại rác tại nguồn, đảm bảo rác được thu gom đúng cách và đúng giờ. Đồng thời, đầu tư thêm các điểm tập kết, thùng rác công cộng với thiết kế phù hợp, dễ nhận diện và sử dụng; xây dựng các tuyến đường tự quản về môi trường, giao cho tổ dân phố, các đoàn thể chịu trách nhiệm quản lý theo mô hình “người dân phục vụ người dân”, từ đó hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh chung; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường; đặc biệt tập trung vào các khu dân cư, khu vực chợ, nơi công cộng…
Nội dung “Ngày Chủ nhật xanh” cũng được đưa vào sinh hoạt định kỳ của các chi bộ, đoàn thể, trường học, cơ quan. Đồng thời, hướng đến đưa việc triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” vào tiêu chí thi đua.
Trước ý kiến cho rằng phong trào còn thiếu chiều sâu ở một số nơi, thành phố đã có giải pháp gì? Phong trào này sẽ được tích hợp như thế nào với các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng chất lượng sống của người dân?
Qua quá trình triển khai, thành phố cũng đã ghi nhận ở một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng đối phó, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng. Do đó, việc đánh giá, kiểm tra định kỳ đang được đẩy mạnh, đặc biệt là việc thực hiện phong trào tại các phường, xã. Những nơi làm tốt sẽ được tuyên dương, nhân rộng; nơi làm chưa tốt sẽ có kế hoạch hỗ trợ, chấn chỉnh.
Huế hiện nay không chỉ là một thành phố di sản, mà đã là một đô thị trực thuộc Trung ương. Vì thế, các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống được lồng ghép chặt chẽ với các phong trào nền tảng như “Ngày Chủ nhật xanh”.
Chúng tôi đang từng bước tích hợp phong trào này với các mục tiêu phát triển bền vững như: Chương trình phát triển đô thị thông minh, trong đó dữ liệu về môi trường, rác thải, không khí… sẽ được số hóa, từ đó có công cụ quản lý hiệu quả và minh bạch hơn; chiến lược chống ngập và biến đổi khí hậu, bằng việc vận động người dân trồng cây xanh, giữ lại mặt nước, giảm bê tông hóa sân vườn, nhà ở; phát triển du lịch xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó các sản phẩm thân thiện môi trường, không gian công cộng sạch đẹp sẽ là tiêu chí bắt buộc.
Ông kỳ vọng và định hướng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trong thời gian tới? Làm thế nào để phong trào không chỉ là “Ngày Chủ nhật xanh” mà là “mỗi ngày một hành động xanh”?
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” cần tiếp tục được nâng tầm, không chỉ dừng lại ở ngày Chủ nhật mỗi tuần mà cần được lan tỏa thành “xây dựng thói quen sống xanh mỗi ngày”. Với tinh thần “chọn việc thiết thực để triển khai”, từng cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân phải chủ động lựa chọn những công việc phù hợp. Mỗi hành động nhỏ gắn liền với cuộc sống hàng ngày sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi lớn cho môi trường sống của thành phố.
Thành phố tiếp tục phát huy phong trào với định hướng triển khai thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” thành một nếp sống xanh bền vững, gắn bó mật thiết với từng người dân Huế. Để mỗi sáng Chủ nhật, người dân Huế hạnh phúc khi chăm chút cho khoảng sân, ngõ xóm của mình thêm sạch đẹp. Để hành động nhỏ như “nhặt một cọng rác” trở thành thói quen tự nhiên.
Chúng tôi xác định một số định hướng trọng tâm: Đổi mới cách làm, chuyển từ các đợt ra quân đông người sang các hành động thiết thực, phù hợp nhưng đều đặn, thường xuyên, thiết thực hiệu quả và gắn với cuộc sống hàng ngày.
Tăng tính giáo dục và truyền cảm hứng, nhất là với học sinh, thanh thiếu nhi - thế hệ kiến tạo tương lai. Mỗi trường học, mỗi lớp học cần có một “không gian xanh”, nơi học sinh có thể thực hành làm vườn, phân loại rác, tái chế đồ vật…
Phát huy vai trò công nghệ, như triển khai các ứng dụng phản ánh hiện trường, chấm điểm vệ sinh môi trường, thi đua “khu phố xanh”, “gia đình xanh”…
Tôn vinh những gương điển hình, người dân bình thường nhưng có hành động đẹp - đó là cách lan tỏa mạnh nhất.
Cuối cùng, Tôi mong rằng, người dân Huế mỗi ngày, mỗi việc làm đều gắn với “hành động xanh”, từ tiết kiệm nước, phân loại rác, đến chăm cây, tái sử dụng đồ vật… Đó là cách tốt nhất để chúng ta cùng nhau gìn giữ một Huế xanh hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn.