Bài 2 - Miếu thờ và những lời hò, nơi văn hóa biển neo đậu

Ven biển miền Trung, từ phá Tam Giang (Huế), Nam Ô, Cửa Đại (Đà Nẵng) đến Gành Yến, Sa Cần (Quảng Ngãi), có hàng trăm ngôi miếu, đền, am thờ hướng mặt ra biển Đông. Đó không chỉ là điểm tựa tâm linh của cư dân vùng duyên hải, mà còn là nơi lưu giữ ký ức, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng ngư dân.

Văn hóa biển là hồn cốt tinh thần giữ nước: Bài 1 - Trên những con sóng không lặng

Miếu thờ cá Ông hay còn gọi là Lăng Ông, là một hình ảnh quen thuộc. Trong tâm thức người dân miền biển, cá Ông không chỉ là vị thần cứu nạn giữa sóng to gió lớn, mà còn là hiện thân của linh thiêng, che chở cho mỗi chuyến ra khơi.

Bộ xương cá Ông từng xác lập kỷ lục là lớn nhất Việt Nam – biểu tượng tâm linh thiêng liêng gắn với tín ngưỡng ngư dân miền Trung tôn kính "Ông" – vị thần hộ mệnh biển cả

Bộ xương cá Ông từng xác lập kỷ lục là lớn nhất Việt Nam – biểu tượng tâm linh thiêng liêng gắn với tín ngưỡng ngư dân miền Trung tôn kính "Ông" – vị thần hộ mệnh biển cả

Nhiều ngôi miếu được dựng bên mép biển, đơn sơ nhưng đượm nghĩa: từ miếu cá Ông làng Thuận An (Huế), miếu Lăng Ông làng Nam Ô (Đà Nẵng), đến miếu Âm Hồn hình con tàu tại Đức Lợi (Quảng Ngãi).

Nơi ký ức hóa linh thiêng

Mỗi năm, vào dịp đầu xuân hoặc giữa năm, các làng chài lại tổ chức lễ hội cầu ngư, một nghi lễ dân gian đặc sắc gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông. Đây là dịp cả làng cùng tụ họp, dâng lễ, diễn xướng, cầu mong trời yên biển lặng, mùa đánh bắt bội thu và bình an trở về.

Tại Huế, lễ cầu ngư làng Thái Dương Hạ (Hương Trà) được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ kéo dài nhiều ngày với đầy đủ các phần lễ – hội: rước linh vị cá Ông, tế lễ, trình diễn hò khoan, hát bả trạo, mô phỏng cảnh ngư dân ra khơi đánh bắt.

Nghi thức tâm linh kết nối cộng đồng ven biển

Nghi thức tâm linh kết nối cộng đồng ven biển

Những bài hò vang lên giữa không gian biển trời như vọng về ký ức, gợi nhắc về bao lớp người đã ngã xuống giữa đại dương để giữ lấy mảnh biển quê hương.

Tại Đà Nẵng, lễ cầu ngư làng Nam Ô cũng mang đậm bản sắc địa phương, gắn với truyền thống đánh bắt cá cơm và làm nước mắm. Người dân dựng sạp, dâng hương, tế lễ ngay trên bãi cát, rồi tổ chức hát bả trạo, hình thức hát múa tập thể của trai tráng mô tả công việc trên thuyền.

Lời ca ấy, động tác ấy không chỉ là nghệ thuật, mà là sự kết nối giữa hiện tại với cha ông đi trước.

Truyền thống giữ biển được gìn giữ và lan tỏa qua các thế hệ

Truyền thống giữ biển được gìn giữ và lan tỏa qua các thế hệ

Không gian các miếu thờ cũng chính là bảo tàng sống của làng biển. Ở đó, mỗi tấm hoành phi, mỗi câu đối, mỗi chiếc ghe thờ đều mang câu chuyện riêng.

Có nơi lưu giữ cả bộ xương cá Ông dài hàng chục mét; có nơi dựng bia tưởng niệm những ngư dân đã khuất trong bão tố hay khi khai thác hải sản nơi xa bờ.

Tại Quảng Ngãi, miếu Âm Hồn ở xã Đức Lợi nổi bật với kiến trúc mô phỏng con tàu khổng lồ, biểu tượng cho hành trình ra khơi đầy gian nan. Trong lòng miếu là nơi thờ vọng những người con bỏ mình nơi biển cả.

Nghi lễ tưởng niệm ở đây không ồn ào mà trầm mặc, như tiếng thầm thì của sóng, của ký ức thiêng liêng được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Gìn giữ văn hóa, giữ lấy chủ quyền

Di sản văn hóa biển không chỉ sống trong nghi lễ, mà còn hiện diện trong đời sống thường nhật, trong lời ru, câu hò, trong hò giã gạo, hò mái nhì, bả trạo… Những lời ca mộc mạc ấy, kết tinh từ lao động, tín ngưỡng và tâm hồn biển cả, đang từng bước được hồi sinh và lan tỏa.

Truyền thống giữ biển được gìn giữ và lan tỏa qua các thế hệ

Truyền thống giữ biển được gìn giữ và lan tỏa qua các thế hệ

Tại TP. Huế, dự án số hóa hò mái nhì, hò huê tình được nhóm học sinh và nghệ nhân làng chài Phú Thuận thực hiện với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa. Những bản ghi âm, video, lời dẫn được đăng tải trên nền tảng trực tuyến, giúp người trẻ tiếp cận gần hơn với di sản.

Ở Đà Nẵng (Quảng Nam cũ), các câu lạc bộ bài chòi và hát sắc bùa học đường đã lồng ghép nội dung biển đảo, gắn với các sự kiện lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa. Văn hóa không còn bó hẹp trong miếu đường, mà bước ra đời sống, bước vào lớp học, lan tỏa trên mạng xã hội.

Lưu giữ bộ xương không chỉ là di vật thiên nhiên quý giá, mà còn là biểu tượng linh thiêng, minh chứng cho niềm tin và sự biết ơn đối với biển cả, nơi sinh tồn, nơi giữ gìn chủ quyền, nơi văn hóa được tiếp nối bao đời

Lưu giữ bộ xương không chỉ là di vật thiên nhiên quý giá, mà còn là biểu tượng linh thiêng, minh chứng cho niềm tin và sự biết ơn đối với biển cả, nơi sinh tồn, nơi giữ gìn chủ quyền, nơi văn hóa được tiếp nối bao đời

Không ít ý kiến cho rằng, giữ văn hóa biển cũng là một cách giữ lấy biển. Bởi chỉ khi ngư dân còn đi lễ miếu Ông, còn hát bả trạo, còn xem biển như máu thịt, thì biển mới là phần sống, không phải chỉ là tài nguyên.

Từ đó, nhiều địa phương đã bắt đầu nhìn nhận lại vai trò của không gian văn hóa tín ngưỡng, không phải như di tích chết, mà như thực thể sống. Việc tu bổ miếu thờ, khôi phục lễ hội, truyền dạy dân ca, gắn di sản với giáo dục học đường hay du lịch cộng đồng… chính là cách nối dài mạch sống văn hóa ven biển.

Khi nhìn từ biển vào bờ, ta không chỉ thấy mái nhà, hàng dừa, mà còn thấy những ngôi miếu đơn sơ vẫn tỏa khói hương. Trong gió biển, vẫn còn âm vang những lời hò mộc mạc, thấm đẫm yêu thương và kiêu hãnh.

Đó là văn hóa, là bản sắc, là hồn thiêng sông núi. Và cũng chính từ những giá trị ấy, người dân miền Trung qua bao thế hệ đã và đang gìn giữ biển không chỉ bằng con tàu, mà bằng cả trái tim hướng về Tổ quốc.

TẠ ĐÌNH DŨNG; ảnh: NHƯ ĐỒNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/bai-2-mieu-tho-va-nhung-loi-ho-noi-van-hoa-bien-neo-dau-151754.html