Nền tảng cho 'Tầm nhìn dài hạn của ASEAN'
ASEAN đang không ngừng lớn mạnh, từng bước trở thành lực lượng trung tâm trong mọi tiến trình khu vực, hiện đang nỗ lực thiết lập nền tảng cho 'Tầm nhìn dài hạn của ASEAN', giúp hiệp hội trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, thịnh vượng.
Ứng phó linh hoạt với những thách thức để phát triển
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7-9 tới tại Thủ đô Jakarta sẽ tập trung thảo luận về việc tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong 20 năm tới. Hội nghị tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm việc thiết lập nền tảng cho “Tầm nhìn dài hạn của ASEAN”, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó linh hoạt với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên và cả các đối tác bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Nước chủ nhà Indonesia dự kiến đón 27 nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế, trong đó có 18 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Thủ tướng Canada, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì EAS, trong đó quy tụ lãnh đạo 18 quốc gia, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch tham dự EAS và thăm một số quốc gia ở khu vực trong dịp này.
Về trọng tâm đầu tiên nhằm thảo luận về việc thiết lập nền tảng cho “Tầm nhìn dài hạn của ASEAN”, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho rằng, tầm nhìn dài hạn này quan trọng do mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN chỉ kéo dài 1 năm và cần có sự bền vững để các nước tiếp theo tiếp tục thực hiện. Tầm nhìn dài hạn này sẽ là “kim chỉ nam” để ASEAN tiến lên và nền tảng của tầm nhìn bắt đầu được xây dựng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia. Theo nữ Ngoại trưởng Indonesia, ASEAN đã thông qua các Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I vào năm 1976, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II vào năm 2003, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN III vào năm 2011 và hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục với mục tiêu thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV làm nền tảng cho Tầm nhìn ASEAN 2045 tại Hội nghị Cấp cao SEAN 43 vào đầu tháng 9 tới.
Với trọng tâm thứ 2 - “ASEAN Tầm vóc” - một số nội dung sẽ được thảo luận và thống nhất bao gồm quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các Hội nghị cấp cao ASEAN. Điều này liên quan đến việc ra quyết định, nhất là trong các tình huống khủng hoảng mà không cần phải thay đổi Hiến chương ASEAN vốn là vấn đề nhạy cảm. Ngoại trưởng Indonesia cho biết, tất cả các nước đều nhận thấy ASEAN cần đẩy nhanh quá trình ra quyết định, nhất là vào những lúc tổ chức khu vực này đối mặt với các vấn đề phức tạp.
Trọng tâm thứ 3 - “Tâm điểm tăng trưởng” - bao gồm nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, quyền tiếp cận thị trường tự do và công bằng. Trong đó, một số nội dung đã được nhất trí tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua và sẽ được chuyển thành các kế hoạch hành động, hoặc được thúc đẩy dưới hình thức quan hệ đối tác với các nước đối tác tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 43, ví dụ quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh lương thực, quan hệ đối tác ASEAN+3 (ASEAN cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về hệ sinh thái xe điện...
Về nội dung trọng tâm thứ 4, theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 43, Chủ tịch ASEAN năm 2023 là Tổng thống Joko Widodo sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF), quy tụ các quan chức ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là một trong những động thái quan trọng nhằm triển khai thực hiện và cụ thể hóa tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Xây đắp tương lai trên những giá trị cốt lõi
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra trong bối cảnh tổ chức khu vực được cho là thành công bậc nhất trên thế giới đã trải qua tròn 56 năm hình thành (ngày 8-8-1967) và phát triển.
Không ngừng phát huy giá trị cốt cốt lõi tạo dựng thành công, các thành viên ASEAN suốt những năm qua đã đồng lòng chung sức xây dựng “một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết”. ASEAN với vị trí địa chính trị trọng yếu của mình đã hợp tác, quy tụ các nước lớn, các tổ chức quốc tế quan trọng hàng đầu trên toàn cầu để cùng hợp tác, phát triển, trong đó luôn giữ được vai trò dẫn dắt và trung tâm của mình. Điều đó có thể thấy trước hết việc ASEAN đã chủ trì xây dựng, góp phần định hình và dẫn dắt các mối quan hệ hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC - được ký kết năm 1976) là một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của ASEAN. Đến nay, TAC với 51 quốc gia tham gia đã trở thành văn kiện nền tảng, là căn bản cho quan hệ và ứng xử giữa các nước ở khu vực, ngày càng nhiều nước bày tỏ nguyện vọng tham gia, chứng tỏ giá trị và sức sống của hiệp ước cũng như thành công của ASEAN trong chia sẻ và lan tỏa các chuẩn mực ứng xử.
Một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công của ASEAN là các thành viên hiệp hội cùng đồng thuận lấy kinh tế - thương mại làm trụ cột và động lực cho hợp tác khu vực. Sự phát triển quan trọng của liên kết kinh tế - thương mại trong hiệp hội được đánh dấu bằng việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 nhằm nỗ lực tự do hóa dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Cùng với liên kết nội khối, ASEAN mở rộng liên kết với bên ngoài, đưa Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành tâm điểm kết nối, hợp tác đa phương với các đối tác kinh tế lớn, quan trọng trên thế giới. ASEAN dần trở thành cứ điểm sản xuất và thị trường đơn nhất trên cơ sở một cộng đồng kinh tế.
Cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng mở rộng, thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác thương mại. ASEAN đến nay đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ...; có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand; đang tiến hành đàm phán FTA với Canada và thảo luận khả năng ký kết FTA với các khu vực mậu dịch khác như Liên minh châu Âu (EU) nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn từ thương mại tự do cho các công dân của mình.
Là khu vực có diện tích đất 4,46 triệu km2, chiếm 3% tổng diện tích đất của trái đất, dân số gần 700 triệu người, GDP 3.700 tỷ USD (năm 2022), ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động và đầy triển vọng. Vượt qua những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới thời gian qua, ASEAN là một điểm sáng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của không chỉ trong khu vực khi tăng trưởng 4,7% trong năm nay và 5% vào năm 2024, cao hơn nhiều mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Điều này thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, tạo một động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Một nền tảng vững chắc cho “Tầm nhìn dài hạn của ASEAN” cần phải tiếp tục được xây đắp trên những giá trị cốt lõi tạo dựng lên thành công của hiệp hội. Đó là đoàn kết, giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nen-tang-cho-tam-nhin-dai-han-cua-asean-post550422.antd