Nền tảng phát triển thị trường chứng khoán

Minh bạch thông tin là một trong những yếu tố nền tảng để phát triển thị trường chứng khoán. Minh bạch mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, là mục tiêu của cơ quan quản lý và là một trong những thước đo thể hiện sự phát triển của thị trường.

Tạo sự bình đẳng của các chủ thể tham gia thị trường

Minh bạch thông tin là chủ đề không bao giờ cũ ở mọi thị trường tài chính. Không thiếu những ví dụ cho thấy việc không minh bạch không chỉ gây hại cho nhà đầu tư, thị trường, mà cho chính bản thân doanh nghiệp.

Trên thế giới có thể kể đến các vụ gian lận tài chính tiêu biểu như Enron (năm 2001), WorldCom (năm 2002), Lehman Brothers (năm 2008) và Madoff Investment Securities (năm 2009). Khi những bê bối được phát hiện, các doanh nghiệp kể trên đã đứng trên bờ vực phá sản và không thể cứu vãn, không chỉ gây thiệt hại cho cổ đông, mà đồng thời gây ra những hệ lụy cho cả thị trường tài chính.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối non trẻ so với nhiều thị trường phát triển trên thế giới, do đó, cũng không thiếu những ví dụ cho việc thiếu minh bạch thông tin. Ở thời kỳ sơ khai, đó là bê bối kế toán của Công ty Bông Bạch Tuyết (mã BBT), hay sự việc thiếu hụt hàng tồn kho của Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) mà sau đó doanh nghiệp phải rất vất vả để tái cơ cấu.

Hay mới đây là hàng loạt vụ sai phạm của các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán sau con sóng lớn nhà đầu tư F0 đổ bộ vào thị trường trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Nói như vậy để thấy rằng, việc thiếu minh bạch ở đâu cũng có, nhưng không thể phủ nhận thị trường Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin. Trước tiên về hành lang pháp lý, các quy định về công bố và minh bạch thông tin được nêu trong các văn bản pháp luật và dần tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC.

Quy định chi tiết về công bố thông tin được nêu rõ trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP và Nghị định 128/2021/ NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Tiếp đó, có thể thấy rõ sự cải thiện rõ rệt trong ý thức minh bạch của các doanh nghiệp và chính nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt việc minh bạch hóa thông tin đến nhà đầu tư.

Ngoài các thông tin phải công bố theo quy định, nhiều doanh nghiệp còn chủ động công bố kết quả hoạt động theo từng tháng và tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích hoặc đi thăm thực tế doanh nghiệp mình. Nhiều nghiên cứu học thuật cũng như thực tiễn đã cho thấy, minh bạch thông tin cũng là yếu tố giúp quản trị doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Khi thông tin được minh bạch, có lẽ nhà đầu tư là những người được hưởng lợi nhiều nhất khi hạn chế được những tổn thất không đáng có khi chịu bất cân xứng thông tin. Nói thêm về nhận thức của nhà đầu tư về tính minh bạch, hiện tại, nhà đầu tư đã khắt khe hơn trong việc xây dựng danh mục cổ phiếu. Các doanh nghiệp kém chất lượng, chủ doanh nghiệp có vấn đề hay doanh nghiệp thiếu minh bạch hiện tại không còn thu hút được dòng tiền đầu cơ như trước.

Yêu cầu trong quá trình nâng hạng thị trường

Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là chuyện dài tập của thị trường chứng khoán Việt Nam. Để được nâng hạng thì ngoài quy mô thị trường, các tiêu chí định tính về khả năng tiếp cận thị trường như vấn đề room cho nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về thị trường, các sản phẩm và cả tính minh bạch của thị trường cũng được quy định rõ trong các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục cải thiện tính minh bạch thông tin trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bằng cách nỗ lực công bố thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên có vẻ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức nâng hạng.

Cụ thể, trong bản đánh giá gần nhất của MSCI vào ngày 6/6/2024 có nêu rõ “Information Flow: Stock market information is not always disclosed in English and occasionally is not detailed enough”, tạm dịch là "thông tin của thị trường chứng khoán không được công bố đầy đủ bằng tiếng Anh và không đủ chi tiết".

Ngày 20/6/2024, MSCI sẽ công bố chính thức kết quả phân loại quốc gia, tuy nhiên với tiêu chí về công bố thông tin và nhiều tiêu chí khác chưa được cải thiện, có lẽ khả năng cao thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục lỡ hẹn với kế hoạch nâng hạng.

Những nhận xét tương tự cũng được FTSE đưa ra trong những kỳ đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam gần nhất. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn cần phải cải thiện hơn nữa tiêu chí công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Theo Điều 4 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 5, Thông tư 96/2020/TT-BTC, ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt và tiếng Anh. Công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh phải bảo đảm chính xác, trung thực, thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt.

Công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2025 và công bố thông tin bằng tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc để lọt vào các bộ chỉ số uy tín. Đây là bước đi cần thiết để các doanh nghiệp niêm yết nâng cao các chuẩn mực minh bạch trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Tất nhiên, có thể có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu triển khai, tuy nhiên hiệu lợi ích trong dài hạn cho cả doanh nghiệp và thị trường sẽ là rất lớn. Sự đồng bộ này không chỉ để đáp ứng tiêu chí nâng hạng, mà còn là nhu cầu cấp thiết trong một môi trường đầu tư hội nhập.

Bùi Văn Huy, / Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nen-tang-phat-trien-thi-truong-chung-khoan-post347373.html