'Nền thơ Việt Nam hội đủ điều kiện, chỉ thiếu tài'
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nền văn học hiện nay tạo điều kiện cho tác giả tự do sáng tác và xuất bản, song 'tầng đã nâng nhưng đỉnh chưa có' vì thiếu tác phẩm nổi bật.
Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã có cuộc trò chuyện với Tri thức - Znews về hiện trạng sáng tác, xuất bản, chất lượng và thẩm mỹ, thị hiếu thơ Việt Nam, cũng như về cách tiếp cận độc giả, giảng dạy thơ.
Không nên quan ngại về "lạm phát thơ"
Từ cương vị một nhà phê bình, ông nhận định ra sao về thực trạng sáng tác thơ Việt Nam hiện nay?
Thơ cũng như văn học Việt Nam nói chung, từ thời kỳ Đổi mới đến cuối thế kỷ 20, sang một phần tư thế kỷ 21 bây giờ đã "bung ra" phát triển nhiều chiều, nhiều cạnh, phong phú và đa dạng hơn. Trước Đổi mới, văn học nói chung và thơ nói riêng đi theo một đường hướng nhất định, bị hạn chế nhiều, nhất là về mặt nghệ thuật. Các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật của thế giới không vào được Việt Nam. Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam không có nhiều cơ hội tiếp cận với khuynh hướng, trào lưu mới.
Từ đó để nói thơ hiện nay phát triển, theo nghĩa rằng các nhà thơ được tự do chọn lựa đề tài, không còn những cấm kị hay hạn chế. Sân chơi thơ chào đón mọi hình thức biểu hiện, mọi khuynh hướng nghệ thuật, từ những thể thơ quen thuộc như lục bát hay thất ngôn, cho đến thơ tự do. Thơ không chỉ bị gói gọn vào ngụ ý - để đọc hiểu, mà còn để đọc ngẫm.
Thơ vẫn được sản xuất nhiều, nhà thơ vẫn là đội ngũ đông đảo. Đơn xin vào các hội văn học nghệ thuật (VHNT) địa phương và trung ương, các nhà thơ vẫn chiếm số lượng áp đảo. Lượng sách văn chương nghệ thuật xuất bản, thơ vẫn góp phần lớn, dù thơ rất khó bán.
Thơ hiện nay khó bán, các nhà xuất bản (NXB) ngại in thơ. Nhiều tác giả phải bỏ tiền túi ra in. Ông nghĩ sao về hiện trạng này?
Khác với thời bao cấp trước kia, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, NXB phải đặt cược việc kinh doanh sách của mình vào tác giả, tác phẩm, kể cả là văn xuôi hay thơ. Do đó đa phần đều ngại in thơ vì thơ khó bán.
Từ đây dẫn đến chuyện nhiều tác giả phải tự bỏ tiền để xin cấp phép, in sách, sau đó tự tìm cách bán để thu hồi vốn. Nghe có phần nghịch lý nhưng thơ vẫn được xuất bản rất nhiều. Câu hỏi đặt ra là chỗ thơ ấy có được đọc không, khi nhiều tác giả in sách ra không bán được, lại phải đem tặng, biếu.
Song cũng không nên chê trách hay phê phán tình trạng này, như nhiều người quan ngại "lạm phát thơ". Miễn rằng tác phẩm không có gì sai trái, dẫu NXB thấy chỉ "thường thường" về chất lượng thì vẫn có thể cấp phép xuất bản cho tác giả. Điều này thuộc về tự do sáng tác và xuất bản của người cầm bút.
Ông đánh giá hiện diện của thơ trong đời sống văn hóa nghệ thuật, tinh thần ra sao?
Theo tôi, thơ với người Việt là phương tiện tu dưỡng tinh thần, gửi gắm cảm xúc. Thơ vẫn rất cần, thậm chí phải nói là phần cốt yếu của văn hóa nghệ thuật và đời sống. Thơ có đặc trưng dễ thuộc, dễ trình diễn, có nhiều không gian sinh hoạt. Các giao lưu văn hóa nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, vẫn cho tặng, đọc thơ.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hiện nay còn vắng bóng tác phẩm thơ đạt tới đỉnh cao mới, tạo dựng dấu ấn nơi người đọc, người nghe, ai ai cũng đều ghi nhớ, biết đến. Cả một số tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật nhưng cũng lọt thỏm vào thinh lặng. Tựu trung, đánh giá tổng thể nền thi ca thì tầng đã nâng lên nhưng đỉnh thì chưa có.
Bối cảnh văn chương nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Không còn khuôn phép, cấm kị, tác giả tự do sáng tác, thể nghiệm đa dạng chủ để, thủ pháp, có không gian in ấn, phương tiện phát hành.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Theo ông, đâu là lý do khiến nền thơ Việt Nam hiện đại vắng bóng những tên tuổi, nổi bật?
Thẳng thắn mà nói thì là do thiếu "tài", thiếu những cây bút xuất chúng. Vì thực tế thì ngày nay bối cảnh văn chương nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Không còn khuôn phép, cấm kị, tác giả tự do sáng tác, thể nghiệm đa dạng chủ để, thủ pháp, có không gian in ấn, phương tiện phát hành.
Nhưng vấn đề là đọc thơ anh thì độc giả có khoái chí, có thích thú hay không. Ngày trước đôi khi viết hơi "lạ" một chút đã bị bình phẩm. Nhưng hiện nay thì anh muốn viết về cái gì, như thế nào, cũng không ai bắt ép được.
Cần lớp nhà thơ chuyên nghiệp
Liệu có cách nào để nâng cao chất lượng thơ, khuyến khích xuất bản được thêm nhiều thơ hay?
Điều này phụ thuộc nhiều vào các nhà thơ. Một nền văn học thì luôn luôn có người viết sách, in sách. Trong lượng lớn tác giả-tác phẩm ấy, nổi bật lên những tên tuổi xuất sắc. Bên cạnh các nhà thơ chuyên nghiệp, có cả những người viết thơ nghiệp dư.
Cá nhân tôi nghĩ việc định hình thẩm mỹ, thị hiếu thơ là trọng trách của các nhà thơ chuyên nghiệp. Sáng tác của họ sẽ có tác động đến mặt bằng chung nền thi ca. Họ phải là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, làm mới thơ của mình, phải quyết liệt, tâm huyết với sáng tác.
Phía NXB nên chú trọng vào khâu thẩm định, chọn lọc, giới thiệu tác phẩm. Các học giả, nhà phê bình cần đọc rộng, liên tục cập nhật để duy trì, tiếp nối các đối thoại về sáng tác thơ. Các hội nhà văn từ trung ương đến địa phương phải giới thiệu thơ hay, tác giả tiềm năng để nâng cao chuẩn mực của người đọc với thơ.
Định hình thẩm mỹ, thị hiếu thơ là trọng trách của các nhà thơ chuyên nghiệp. Sáng tác của họ sẽ có tác động đến mặt bằng chung nền thi ca.
Theo quan sát của ông, hiện nay nền thơ Việt Nam có những gương mặt nổi bật hoặc tiềm năng nào?
Tuy tôi là người đọc nhiều văn học nói chung và thơ nói riêng, nhưng kể ra những gương mặt thơ nổi trội, đọng lại dấu ấn sâu sắc thì cũng không có nhiều. Sự làm mới sáng tạo trong thi ca nói chung và văn học Việt Nam còn hiếm, còn ít. Hiếm tác giả nào có văn nghiệp hệ thống, xuyên suốt.
Tôi thấy Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương - những tác giả nổi lên trong giao thời hai thế kỷ, không còn là gương mặt trẻ hoàn toàn mới song dẫu trên dưới 60 họ vẫn tìm tòi, cách tân đổi mới, để lại dấu ấn riêng.
Một trường hợp nữa là nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Dấn thân vào thơ ca, anh tự chọn cho mình thử thách khó khăn là làm mới thơ lục bát. Năm ngoái tập thơ Đồng sen tàn của anh được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ lục bát từ sau những kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đến thế kỷ trước ta vẫn có các hồn thơ xuất sắc như Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy… Sự cố gắng làm khác, làm mới thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành là điều đáng ghi nhận.
Một số người viết thơ trẻ hiện nay nổi tiếng trước từ cộng đồng mạng, sau đó mới có tập thơ xuất bản. Ông nghĩ sao về cách tiếp cận độc giả này?
Tôi vẫn gọi không gian mạng là "phòng chờ của văn học", là bước đệm để nhiều tác giả đến với độc giả. Nhiều người viết đăng tải tác phẩm và gây được chú ý, được NXB tìm kiếm in tác phẩm. Vì đã có lượng độc giả hâm mộ nhất định, thơ của các tác giả này sẽ dễ bán hơn. Song cần hỏi rằng những tác giả ấy có đầu tư, rèn giũa ngòi bút của mình hay không, vì rất dễ rơi vào xu hướng chiều theo thị hiếu độc giả.
Theo quan sát của ông, bạn đọc ngày nay đón nhận thơ như thế nào?
Nhiều bài thơ hiện nay khác với lối thơ quen thuộc trước kia. Nhiều bạn đọc không quen, nhất là lớp bạn đọc cũ, khi tiếp cận sẽ thấy những bài thơ thể nghiệm như thế khó hiểu, trúc trắc. Nhưng đổi lại, cũng hình thành lớp độc giả bắt kịp, làm quen được với những bài thơ có đề tài, cách thể hiện mới. Âu ấy cũng là bước tiến bộ.
Thời gian qua xuất hiện tranh cãi về các bài thơ được đưa vào sách giáo khoa chương trình mới của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh và nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây một mặt là cuộc đấu tranh về thị hiếu, thẩm mỹ thơ ca, thể hiện sự quan tâm độc giả dành thơ. Tuy vậy, cũng thấy được rằng độc giả phổ thông hiện chưa quen với những bài thơ có cách thể hiện mới mẻ như vậy.
Từ đây ông có suy nghĩ gì về việc dạy và học thơ trong nhà trường? Và việc đọc, phê bình, nghiên cứu thơ nói chung?
Đội ngũ người làm giáo dục đã nỗ lực cập nhật, mong muốn giới thiệu các cách tiếp cận thơ mới thông qua chương trình giáo dục của nhà trường. Song những tranh cãi nổ ra cũng tạo áp lực cho người làm sách.
Theo tôi, ngoài hệ thống tác phẩm thì nền giáo dục cũng cần đổi mới cách dạy và học văn. Trước nay chúng ta quan tâm chú mục quá nhiều về nội dung. Nhưng văn chương thì hình thức, biểu hiện cũng quan trọng. Nên hướng người học khám phá, tìm tòi theo tư duy của chính mình để phát hiện được các tầng nghĩa của văn bản thơ.
Bên cạnh việc đọc thơ thì việc đọc các sách về thơ, nhất là các sách phê bình nghiên cứu thơ cũng rất cần thiết để nâng cao trình độ thưởng thức và hiểu biết thơ. Những cuốn sách của tiến sĩ Chu Văn Sơn (1962 - 2019) như Tinh hoa Thơ Mới - thẩm bình và suy nghĩ (1997, tái bản 4 lần), Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử (2003, tái bản 7 lần), Thơ; điệu hồn và cấu trúc (2007, tái bản 4 lần) đến nay vẫn giúp ích được nhiều cho những ai thích thơ, muốn tìm hiểu về thơ. Gần đây có hai cuốn sách của tiến sĩ Lê Hồ Quang dạy Đại học Vinh cũng rất hay và bổ ích: Âm thanh của tưởng tượng (2015) và Đọc một bài thơ (2022).
Tôi muốn giới thiệu thêm những cuốn sách của nhà thơ, nhà phê bình thơ, nhà dịch thuật thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada in ở trong nước: Thơ đến từ đâu (2010), Đối thoại văn chương (2012) và Thơ cần thiết cho ai (2014). Kể sơ thế để thấy để viết thơ và yêu thơ, các nhà thơ và độc giả thơ không thiếu sách về thơ để đọc. Chưa kể, sách thơ dịch cũng là một nguồn cần thiết giới thiệu đến độc giả và giới sáng tác trong nước các trào lưu, khuynh hướng, thể nghiệm mới của thế giới.
Tuy không nhiều nhưng các bản dịch thơ của các nhà thơ nổi tiếng, các nhà thơ được giải Nobel, các nhà thơ có khuynh hướng mới vẫn ra mắt trong tiếng Việt. Lấy thí dụ bản dịch tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu của Ocean Vuong, một tác giả trẻ gốc Việt ở Mỹ đang được đánh giá cao, do nhà thơ dịch giả Hoàng Hưng thực hiện là đáng được ghi nhận về sự thông tin kịp thời và đáng đọc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nen-tho-viet-nam-hoi-du-dieu-kien-chi-thieu-tai-post1461577.html