Nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm

Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Vào những ngày đầu năm mới, mọi người lại nô nức đến chùa để dâng hương, cầu nguyện những điều may mắn cho bản thân, gia đình.

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, người dân khắp nơi lại tìm về những ngôi chùa, đền, miếu để cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho gia đình. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời mà còn là dịp để mỗi người hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp, nuôi dưỡng sự thiện lành và tinh thần lạc quan cho hành trình phía trước. Đi lễ chùa đầu năm còn là dịp để gia đình và bạn bè gắn kết cộng đồng. Sau khi thắp hương, mọi người thường trò chuyện, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp đầu năm. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Đến Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố) - nơi đông đảo người dân đến cầu may mắn, bình an khi Tết đến Xuân về.

Đến Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố) - nơi đông đảo người dân đến cầu may mắn, bình an khi Tết đến Xuân về.

Tại Đền Kỳ Sầm, trong ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, lượng lớn người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu an năm mới thật sung túc. Thành kính chắp tay nơi cửa phật, cầu mong sang năm mới gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi, chị Đinh Thị Lụa ở phường Sông Bằng (Thành phố) cho biết: Năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, tại gia đình, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình là đến đền, chùa làm lễ. Đây là dịp để chị cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. Nhiều người cũng quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Tôi muốn các con biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Du khách đến dâng hương tại Đền Kỳ Sầm.

Du khách đến dâng hương tại Đền Kỳ Sầm.

Cửa đền, chùa là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người.

Tại Chùa Đống Lân, xã Hưng Đạo (Thành phố), mỗi ngày có hàng trăm người đến thắp những nén hương thơm và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Người cầu tài, người cầu sức khỏe, người cầu may mắn, có người đến để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan, vất vả trong cuộc sống.

Lễ chùa đầu năm còn là dịp để mỗi gia đình quây quần, cùng chia sẻ những khát vọng và lời chúc tốt đẹp. Phạm Thị Liên, 75 tuổi ở phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Đi chùa đầu năm là truyền thống của gia đình tôi suốt nhiều thế hệ. Chúng tôi không cầu kỳ lễ vật, quan trọng nhất là mang theo lòng thành. Ngay sau giao thừa, cả gia đình tôi đã cùng nhau đi lễ chùa. Việc làm này khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái sau một năm làm việc vất vả với nhiều bộn bề, lo toan trong cuộc sống.

Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Bạn Hoàng Lệ Biếc, ở phường Đề Thám cho biết: Mỗi dịp Tết đến, sau thời khắc giao thừa linh thiêng, tôi và các anh chị em trong gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông. Hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa phật, tôi tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn, đồng thời thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy.

Cầu chúc cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

Cầu chúc cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-dep-van-hoa-di-le-chua-dau-nam-3175233.html