Danh nhân văn hóa tuổi Tỵ - 'Hậu tổ' của nghệ thuật tuồng

Danh nhân văn hóa Đào Tấn sinh năm Ất Tỵ 1845, mất năm Đinh Mùi 1907, quê ông ở làng Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lúc sinh thời, ông đã làm sống dậy cả một nền nghệ thuật độc đáo không chỉ trên sàn diễn, mà còn trong đời sống văn hóa của dân tộc. Những vở diễn đã lột tả mặt trái cuộc đời, cũng như những hỉ nộ ái ố đời người bằng ngôn ngữ văn học và sân khấu độc đáo.

Chân dung Soạn giả Đào Tấn, người được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân văn hóa quốc gia. Ảnh: Tư liệu

Chân dung Soạn giả Đào Tấn, người được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân văn hóa quốc gia. Ảnh: Tư liệu

Người nặng nợ với thăng trầm thời cuộc

Trong văn hóa Việt Nam thời kỳ cận đại, có một danh nhân văn hóa sinh năm Ất Tỵ, người đã làm sống dậy cả một nền nghệ thuật, đó là Đào Tấn, "ông vua" của nghệ thuật tuồng, một nghệ thuật biểu diễn được chắt chiu từ văn hóa dân gian, đúc kết trong đời sống nhân dân Nam Trung Bộ. Đào Tấn tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, khi ông về ẩn trên núi có thêm một tên hiệu nữa là Mai Tăng. Ông sinh ngày 3/4/1845, tại làng Vĩnh Thạnh (tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định), tiếp xúc với nghệ thuật tuồng từ bé. Ông cũng làm quan suốt hơn 30 năm. Vốn là người khí khái, thái độ của ông đối với hiện tình đất nước thật rạch ròi, minh bạch. Ông đã nhiều lần bộc bạch tâm sự ghét Tây và bọn theo Tây hà hiếp nhân dân. Dù không trực tiếp tham gia kháng chiến, nhưng Đào Tấn là vị quan có tinh thần ái quốc và trực tiếp giúp đỡ những người kháng chiến..

Cả đời cầm bút, Đào Tấn đã để lại hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ, gần 100 vở tuồng và tập sách lý luận sân khấu mang tên “Hý trường tùy bút” cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Trong các vở tuồng của ông, có rất nhiều vở nổi tiếng đến nay vẫn còn được biểu diễn như: “Cổ thành”, “Hộ sinh đàn”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”...

Những vở tuồng của Ðào Tấn đã để lại trong lòng quần chúng nhiều điển hình nhân vật không phai mờ về những con người bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công. Ông cũng đã lên án mạnh mẽ cái xấu xa của bọn vua quan phong kiến với những suy nghĩ rất mới mẻ, gần với chủ nghĩa hiện thực. Ông có công nâng văn học tuồng lên trình độ bác học và sáng tạo một phương pháp sáng tác mới cùng với những cách tân trong nghệ thuật biểu diễn, tạo thế đứng vững chắc và thành trào lưu cho nghệ thuật của Nam Trung Bộ một thời và cho đến tận bây giờ. Có những vở dài đến 100 hồi, diễn tới 100 đêm.

Nghệ thuật của sự kết hợp

Đào Tấn vừa là người bảo vệ truyền thống, vừa là người phát huy và cách tân tuồng truyền thống. Ông đưa tuồng từ dân gian vào cung đình, rồi từ cung đình tỏa ra dân gian. Vì vậy, mà dân gian gọi là "Tuồng cụ Đào". Nhân dân đam mê tuồng Đào Tấn không chỉ bởi màn lớp tuồng ly kỳ lý thú, diễn viên hát hay, múa đẹp, mà còn bởi họ tìm được ở đó nhiều giá trị nhân văn.

Những vở tuồng của Soạn giả Đào Tấn đã được bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay. Ảnh: Cẩm Linh

Những vở tuồng của Soạn giả Đào Tấn đã được bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay. Ảnh: Cẩm Linh

Chỉ trong một đoạn độc thoại ngắn mà nhân vật đã trải qua nhiều tâm trạng. Những tâm trạng cùng lúc hiện diện, vặn xoáy vào nhau, vật vã nhau trong nghệ thuật múa. Và những động tác lặng lẽ đầy tính biểu hiện của nó, không phải trong nghệ thuật kịch nào cũng có được. Một nhân vật, với những động tác múa, hát, nói đã thực sự làm thành một cuộc chiến đấu, mà bãi chiến trường chính là nội tâm. Ông đã chấp nhận, sung sướng chấp nhận đồng hành trong cuộc đời những “xướng ca vô loài” chỉ cốt để mua vui, mua buồn, mua đau xót, mua sự tự ý thức, tự thức tỉnh nơi những người xem tuồng, từ quan lại tới thứ dân, từ cung đình tới xóm xã.

Suốt cuộc đời mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng, là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, là người đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam... Các tác phẩm của ông đều hướng con người hoàn thiện hơn và sống tốt hơn. Điều này không những được thể hiện trong toàn bộ sáng tác văn thơ và kịch bản của ông, mà cả trong quan điểm lý luận của ông.

Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn “Hậu tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành điển hình, mẫu mực. Hai nhà soạn tuồng nổi tiếng sau này như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Quảng Nam và Huế đều kế thừa phương pháp nghệ thuật Đào Tấn mà ngày nay, chúng ta cần học tập, ứng dụng trong sáng tác, biểu diễn và trong đào tạo.

Giai đoạn Đào Tấn còn sống là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của nghệ thuật tuồng. Sau này, mặc dù ông đã khuất, nhưng từ vườn ươm ấy, nghệ thuật tuồng đã nảy nở khắp nơi. Các học trò của ông là những nghệ sĩ tài năng nổi tiếng nhất, mà cho đến bây giờ khó có ai sánh kịp về hát, múa, diễn xuất có chiều sâu. Đến nay, đã có mười mấy thế hệ tiếp nối phong cách tuồng của Đào Tấn. Họ đang là diễn viên trụ cột của các đoàn tuồng khắp đất nước.

Một nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đã trải qua không ít thăng trầm đó đã trở thành niềm tự hào của Bình Định quê hương ông, cũng như của cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển nền sân khấu truyền thống dân tộc. Bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình, ông đã đóng góp cho nghệ thuật tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ. Năm 1990, nhà soạn giả Đào Tấn đã được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân văn hóa quốc gia.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-nhan-van-hoa-tuoi-ty-quothau-toquot-cua-nghe-thuat-tuong-post486290.html