Nét Xuân bên dòng sông Đáy
Như mọi năm, trong hơi Xuân còn chấp chới, tôi quyết định xách ba lô và 'phượt' men theo sông Đáy. Sở dĩ có sự ấn định như vậy là bởi, tôi nghiệm ra rằng đô thị lớn và văn minh ở các nước phát triển trên thế giới đều nằm ở ven sông. Tại đất Việt, sông cũng là cội nguồn tạo ra sự trù phú, là nguồn nước mát lành tưới tắm cho biết bao thửa ruộng, làng quê.
Nơi khởi đầu những lệ tục đẹp
Trước khi có chuyến “phượt”, qua sách vở cũng như hàng loạt kho tàng địa lý, tôi nghiệm ra rằng, sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc. Sông Đáy ngoài vai trò là sông chính của các sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Vạc… thì nó còn là một phân lưu của sông Hồng - con sông mẹ ôm ấp và bồi lắng nên Hà Nội.
Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình thì lòng sông rộng ra, lưu lượng chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông nơi đây dường như thai nghén nên phong cảnh hữu tình mà không phải nơi nào cũng có được. Chẳng thế mà, trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã dành nhiều mỹ từ cho dòng sông này: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa...”…
Tôi đến sông Đáy, đứng trên cầu Tế Tiêu và trông về hướng con nước hiền hòa chảy về phía Hà Nam, chợt nhớ tới đận được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nói về tục kết chạ của hai làng ven con sông này. Hỏi ra mới biết, ven sông Đáy có hai ngôi làng là Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) và Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) cứ cách quãng ba năm lại cùng nhau tổ chức hội. Trong nghi thức linh thiêng ở giữa dòng sông, cao niên hai làng lại cùng nhau tế thần và ôn lại khoán ước.
Nhắc chuyện này, bà Đinh Thị Hải, Trưởng thôn Nam Dương kể, khi xưa Nam Dương và Văn Giang đều là những làng cùng quần tụ ven sông Đáy. Cuộc sống đương thuở yên bình, thuận hòa thì một ngày nạn cướp bóc tràn về. Giặc cướp hoành hành, những người đứng đầu của làng Nam Dương đã ra đình đánh trống kêu cứu. Bên kia sông, người làng Văn Giang nghe tiếng trống đã dùng thuyền bè vượt sông sang cứu trợ. Ngược lại, mỗi lần có tín hiệu từ làng Văn Giang thì Nam Dương lại huy động trai tráng đưa thuyền sang giúp đỡ. Cứ thế, hễ có giặc cướp xâm lấn, chỉ cần đánh trống thì cả vùng sẽ cùng nhau chống giặc.
Đến nay, sự đoàn kết giữa hai làng vẫn khăng khít. Khi người dân Văn Giang có việc hiếu, hỷ… thì làng Nam Dương cử đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng và ngược lại. Người dân hai làng đối xử với nhau tình cảm, chưa từng xảy ra vụ việc xích mích nào. Được biết, tại lễ hội này, ở khu sân đình Nam Dương, bên cạnh lễ tế thần, các trò chơi dân gian giao lưu giữa hai làng như: Đập niêu, đấu vật, tổ chức thi bơi trên sông… vẫn còn được lưu giữ.
Ông Nguyễn Văn Thạo, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Nam cho biết: Lễ hội truyền thống hai làng Nam Dương và Văn Giang được tổ chức ba năm một lần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tình nghĩa hai làng đến nay vẫn sâu đậm và lưu truyền lại cho lớp lớp các thế hệ con cháu mai sau nối tiếp. Lễ hội Nam Dương và Văn Giang khơi dậy niềm vui lòng tự hào về tình nghĩa hai làng, luôn động viên nhau đồng cam cộng khổ vượt mọi khó khăn…
Lễ hội còn thể hiện những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cái thiện, hướng về cội nguồn dân tộc, gắn chặt tình đoàn kết, góp phần tô đậm những nét đẹp trong văn hóa phong tục của quê hương giàu truyền thống dân tộc.
Dòng sông lắng đọng những di sản
Bên dòng sông Đáy, cách làng Văn Giang chỉ vài bước chân là phường rối Tế Tiêu của thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức). Đây là nơi duy nhất của Hà Nội còn lưu giữ hoàn chỉnh loại hình nghệ thuật rối cạn. Có điều lạ ở Tế Tiêu là, khi tôi hỏi nghệ nhân “Bằng rối” - Phạm Công Bằng (sinh năm 1976) thì ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn. Có lẽ phần vì anh Bằng là một trong những nghệ nhân ưu tú trẻ nhất Việt Nam, phần khác bởi anh cũng là người nối nghiệp rối cạn, được trao truyền “đặc sản” của vùng đất này.
Dẫn tôi đi tham quan những góc trưng bày về rối, anh Bằng không giấu được vẻ tự hào bởi sau bao nhiêu năm giữ gìn thứ di sản văn hóa dân gian này, gia đình anh đã được vinh danh, giúp đỡ để rồi loại hình rối Tế Tiêu được "sống" tiếp bằng sự quan tâm thiết thực của các cơ quan quản lý về văn hóa. Đồng thời, nhờ việc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cá nhân, đơn vị tìm về Tế Tiêu để tìm hiểu nghệ thuật múa rối cạn.
Rối cạn Tế Tiêu còn được nhận lời mời của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội để góp sức tham gia trình diễn rối cạn tại Festival Thu Hà Nội 2023. Anh Phạm Công Bằng hồ hởi vì sự kiện này là kết quả rất trực quan, nhìn thấy, sờ thấy được sau những nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản cổ truyền của quê hương.
…Nhắc chuyện này Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng rỉ rả bảo tôi rằng, anh có tham vọng mở rộng phường rối gia đình trở thành một không gian văn hóa du lịch làng nghề của địa phương. Trong đó, một mặt diễn ra các hoạt động biểu diễn trao truyền di sản văn hóa, một mặt tạo ra sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch cho địa phương, tạo thêm sinh kế cho người dân cũng như lan tỏa nét đẹp văn hóa của rối Tế Tiêu đến với cộng đồng.
Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình thì lòng sông rộng ra, lưu lượng chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông nơi đây dường như thai nghén nên phong cảnh hữu tình mà không phải nơi nào cũng có được. Chẳng thế mà, trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã dành nhiều mỹ từ cho dòng sông này: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa...”.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/net-xuan-ben-dong-song-day-165362.html