Net Zero 2050: Cơ hội cho Việt Nam phát triển bền vững

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là cơ hội để phát triển bền vững.

Triển khai các chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững cũng như thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Năm 2025, Việt Nam bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành chính thức sàn giao dịch thị trường carbon, tuy nhiên thực tế còn nhiều vướng mắc để đưa mục tiêu này đạt đúng tiến độ. Để hiểu rõ hơn về những khó khăn và lộ trình thực hiện, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, ông có thể cho biết những điểm chính trong Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã ký cam kết về phát thải ròng bằng 0 của COP26. Rõ ràng đây là bối cảnh mới, xác định xu hướng cam kết của Việt Nam, cùng với nỗ lực chung của toàn cầu để giảm phát thải khí nhà kính và đến năm 2050 tiến tới phát thải ròng bằng 0.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Ảnh: Quốc Chuyển

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Ảnh: Quốc Chuyển

Từ bối cảnh đó đến năm 2050 để đạt được phát thải ròng bằng 0 có 2 giai đoạn: Một là giai đoạn đến năm 2030; hai là giai đoạn đến năm 2050. Quan điểm chính của chiến lược này là: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Ngoài ra, Quyết định 896 nêu rõ, lĩnh vực năng lượng là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất. Cụ thể, đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.

Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương.

- Để ứng phó với biến đổi khí hậu, một trong những nhiệm vụ quan trọng là hình thành thị trường carbon. Theo lộ trình, thị trường phát thải carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Xin ông thông tin thêm về những nét cơ bản của thị trường carbon?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ carbon) là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm của một đơn vị phát thải/ hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán.

Thị trường carbon không nhìn thấy được nhưng vẫn vận hành. Một tín chỉ carbon có thể giao dịch tương đương với một tấn carbon dioxide hoặc lượng tương đương của một loại khí nhà kính khác được giảm thiểu hoặc tránh được.

Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Ảnh: Pixabay

Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Ảnh: Pixabay

Có thể thấy, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh… Thông qua thị trường carbon, các công ty hoặc cá nhân có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Theo thống kê, diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiện nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

- Qua theo dõi quá trình triển khai, ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong việc triển khai lộ trình thị trường carbon hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Về mặt pháp lý, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ. Thứ nhất, Bộ Tài chính phải sớm hình thành thí điểm sàn giao dịch carbon; thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm kê được khí nhà kính. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện nhưng phải sớm hoàn thành và công bố đến từng doanh nghiệp để biết được mức phát thải cũng như lượng phát thải là bao nhiêu.

Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp và các bên liên quan khi tham gia thị trường carbon, cũng như khẩn trương nhìn ra được những vấn đề có thể xảy ra như: lũng đoạn thị trường; thông tin không đầy đủ… Do đó, thị trường carbon cần phải có những quy định sớm.

Ngoài ra, cũng cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ phát thải thấp, năng lượng tái tạo.

Cần xây dựng và hoàn thiện các quy định về kiểm kê, tiêu chuẩn khí thải và các quy định về báo cáo khí thải và cung cấp thông tin về thị trường carbon để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng các kế hoạch, lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất và nguồn lực.

Trong khi Việt Nam chưa hình thành thị trường carbon thì nhiều thị trường đã rất phát triển, ví dụ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Hàn Quốc, Trung Quốc đang vận hành rất đầy đủ và thậm chí còn mở rộng không chỉ ở phạm vi doanh nghiệp mà ra ở các ngôi nhà, ngay tại Việt Nam, Hàn Quốc cũng đã có sự chuẩn bị cho thị trường carbon.

Song song với đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường. Từ đó, chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2021, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố báo cáo đánh giá lần thứ 6 về biến đổi khí hậu, trong đó bày tỏ quan ngại về việc phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng ở tất cả các lĩnh vực, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Bất chấp những bước tiến trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, thế giới vẫn phải đối mặt với một thách thức rất lớn. Các nhà khoa học cảnh báo, sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 2 độ C trong thế kỷ 21 nếu chúng ta không đạt được mức giảm sâu về lượng phát thải khí nhà kính ngay từ bây giờ.

Theo IPCC, các nước đang phát triển sẽ cần tới 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để tài trợ cho thậm chí chưa đến một nửa mục tiêu hành động về khí hậu.

Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025-2028 nêu rõ, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/net-zero-2050-co-hoi-cho-viet-nam-phat-trien-ben-vung-368031.html