Nếu đang có ý định mua nhà cũ, bạn đừng nên bỏ qua những lưu ý 'đáng tiền' này

Do điều kiện kinh tế có hạn nên nhiều người lựa chọn mua nhà cũ hoặc nhà đã qua sử dụng như một cách để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi đi mua nhà cũ, bạn nên lưu ý những vấn đề sau.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Xem xét tính tiện lợi

Tính tiện lợi của một ngôi nhà được đánh giá qua các yếu tố như vị trí nhà ở, hệ thống giao thông, hệ thống tiện ích cũng như các hệ thống điện, nước,... trong ngôi nhà của bạn.

Thứ nhất, vị trí đẹp và phù hợp

Bạn nên đặt ra 3 câu hỏi sau và đi tìm câu trả lời để xác định việc có nên mua nhà đã qua sử dụng hay không

1. Vị trí ngôi nhà đã qua sử dụng có phù hợp với giá bán mà bạn tìm hiểu thông qua các nguồn tin hay không?

2. Vị trí ngôi nhà đã qua sử dụng có vấn đề như ở trên khu vực quy hoạch, trong khu vực ô nhiễm,... hay không?

3. Vị trí ngôi nhà đã qua sử dụng có phù hợp với công việc của bạn và các thành viên trong gia đình?

Một vị trí được coi là đẹp khi vị trí đó có khả năng kết nối đa vùng, gần các tuyến đường giao thông huyết mạch có ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt của bạn và gia đình.

Thông thường thì những ngôi nhà ở trung tâm thường có vị trí đẹp, thuận tiện cho việc đi lại và tận hưởng cuộc sống tiện ích cao. Tuy nhiên, nhiều người lại chọn những ngôi nhà đã qua sử dụng ở khu vực ngoại ô, nơi có không khí trong lành và giao thông thoáng rộng.

Thứ hai, hệ thống điện, nước

Trước khi mua nhà đã qua sử dụng, bên nên tìm hiểu hệ thống cấp thoát nước trong khu vực mà bạn định mua. Hiện nay ở các thành phố lớn như Sài Gòn hoặc Hà Nội, có một số nơi sẽ bị ngập vào mùa mưa, khả năng thoát nước kém, từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn và gia đình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bạn cần chuẩn bị những dụng cụ để kiểm tra hệ thống điện như bút thử điện, đèn ống nhỏ,.... Các đường dây dẫn điện phải được đảm bảo an toàn theo quy định, nếu hệ thống đã quá cũ hãy đề xuất với người bán thay một hệ thống mới (nếu có) hoặc thương lượng lại về giá cả.

Với hệ thống nước, bạn cần kiểm tra công tơ nước, các đường ống dẫn nước và chất lượng nước sinh hoạt.

2. Xem xét các vấn đề phong thủy

Phong thủy không còn là một "học thuyết mê tín" mà nhiều người vẫn thường đồn đại, nhất là trong lĩnh vực nhà ở. Khi xem xét phong thủy, bạn cần xem xét phong thủy tổng thể, sau đó đi sâu vào các chi tiết trong nhà.

Về phong thủy tổng quan, bạn nên tránh những ngôi nhà có phong thủy bất lợi như gần đường sắt, gần cao tốc, nghĩa trang, gần ngã ba,...hoặc những địa thế hình thành nên thế "sát" làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận của bạn và gia đình.

Một số vị trí tạo nên thế "sát" mà bạn NÊN biết và tránh như:

- Thế âm sát là thế mà xung quanh nhà có quá nhiều cây lâu năm, che đi ánh sáng từ mặt trời.

- Thế cô độc sát là thế mà căn nhà ở các vị trí quá cao, cô độc một mình không có "hàng xóm xung quanh".

- Thế câu liêm sát là thế khi căn nhà có diện tích đất rộng, được bao bọc bởi những bức tường cao. Thông thường địa thế này sẽ làm gia chủ "hao tài tốn của" vì những trò đầu cơ, đỏ đen.

- Thế hỏa sát là thế mà căn nhà đối diện hoặc bên cạnh những nơi có dương khí nồng đậm như trạm biến áp, trụ điện, hoặc có các vật nhọn hướng thẳng vào nhà.

- Thế phản quang sát là thế mà các tấm kính ở những nơi khác phản chiếu ánh sáng vào căn nhà của bạn khiến bạn bị chói mắt. Thế này mang đến sự nóng nảy, luôn căng thẳng, giận hờn vu vơ,...

Ngoài ra còn một số thế khác như phong sát, quang sát, tà thương sát, tuyệt mệnh sát, xung thiên sát...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về phong thủy trong nhà, bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề như thiết kế, ánh sáng, cách sắp xếp đồ nội thất hoặc màu sắc của ngôi nhà đã qua sử dụng trên.

Có thể về phong thủy ngôi nhà đó hợp với người chủ cũ nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Hãy lập kế hoạch cho những thay đổi để có một ngôi nhà đẹp và tốt hơn.

3. Cẩn thận những ngôi nhà "lộng lẫy"

Người bán sẽ mong muốn điều gì khi rao bán căn nhà của mình?

Người bán sẽ mong muốn bán được ngôi nhà đã qua sử dụng một cách nhanh chóng với mức giá cao. Mức giá đó có thể phù hợp với thị trường hoặc cao hơn mức thị trường và đạt mức mong muốn của người bán.

Vậy người bán sẽ làm gì để tăng giá căn nhà đã qua sử dụng của mình?

Tất cả những yếu tố về vị trí, hạ tầng đã quyết định đến mức giá cơ bản của ngôi nhà. Tuy nhiên người bán sẽ đánh vào thị hiếu của người mua khi họ sẽ cần những ngôi nhà đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới mẻ và chất lượng. Vì vậy họ sẽ tân trang ngôi nhà của mình từ "cũ" thành "mới", thay đổi nội thất trong nhà, nâng tầm căn hộ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên điều này cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Về tính tích cực, người mua nhà đã qua sử dụng sẽ không cần tốn thêm nhiều chi phí cho việc sửa chữa, tân trang lại nhà ở sau khi mua bán và đi vào sử dụng.

Về tính tiêu cực, nếu người bán chỉ đơn thuần sơn lại các bức tường, thay thế nội thất mới không chất lượng. Theo thời gian tình trạng xuống cấp sẽ dần xuất hiện và khi đó người mua mới phát hiện ra thì đã "muộn màng".

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", bạn nên kiểm tra kỹ chất lượng của căn hộ từ bên trong thay vì chỉ nhìn những thứ hào nhoáng, lộng lẫy bên ngoài mà vội vàng ra quyết định. Có thể bạn sẽ có lợi nhất thời nhưng lại thiệt hại về sau.

4. Hỏi han người dân xung quanh

Hỏi thăm hàng xóm xung quanh là cách để bạn tìm kiếm thêm thông tin thực tế về ngôi nhà. Hãy tập trung tìm hiểu thông tin từ những người hàng xóm trung niên hoặc nội trợ để có nhiều thông tin đa chiều hơn.

Việc "kiểm tra cư dân" mang đến nhiều lợi ích cho bạn:

Có được những thông tin tham khảo về căn nhà đã qua sử dụng bạn đang để ý.

Cơ hội được làm quen trước với những vị hàng xóm tương lai để chuẩn bị cho một cuộc sống mới tại đây. Có những người hàng xóm tốt cũng là một yếu tố để bạn quyết định mua.

5. Thẩm định 2 lần

Thẩm định nhà trước khi mua là bước quan trọng trong hành trình mua nhà của bạn.

Việc thẩm định giúp bạn có cái nhìn tổng quan về căn nhà đã qua sử dụng bạn đang định mua. Kiểm tra được đầy đủ các thông tin từ thực tế để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Nếu bạn là một người có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ không cần nhờ đến một ai khác. Tuy nhiên, với những người mới, chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến những nhân viên môi giới hoặc chuyên gia trong lĩnh vực thẩm định để giúp bạn kiểm tra sau đó đưa ra những nhận định khách quan nhất.

Ngoài ra, bạn nên bỏ nhiều thời gian hơn để xem căn nhà đã qua sử dụng bạn có ý định mua để đảm bảo bạn có thể thích nghi với căn nhà này trong bất kỳ thời điểm nào.

TP

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/neu-dang-co-y-dinh-mua-nha-cu-thi-ban-dung-nen-bo-qua-nhung-luu-y-dang-tien-sau-22202183153042565.htm