Nếu không có doanh nghiệp nhỏ, 'đại bàng' sống với ai?
Gửi ý kiến tới Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025, doanh nghiệp vùng miền núi Đông Bắc Bộ bày tỏ trăn trở khi đang đối mặt với nhiều thách thức để có thể tận dụng được cơ hội rất lớn mà 'bộ tứ Nghị quyết chiến lược' đang mở ra.

Phiên đối thoại địa phương, Vòng cụm miền núi Đông Bắc bộ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025 diễn ra sáng 13/7/2025 tại Lạng Sơn.
Đất diễn cho doanh nghiệp nhỏ còn quá hẹp
“Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có đất diễn ngay ở các địa phương”. Ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang (Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Giang trước đây) đã kết thúc bài tham luận của mình tại Phiên đối thoại địa phương, Vòng cụm miền núi Đông Bắc bộ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025 diễn ra sáng 13/7/2025 (tổ chức tại Lạng Sơn) như vậy.
Đề xuất này bắt nguồn từ chính thực tiễn kinh doanh của ông. Vào năm 2010, khi quyết định khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông đã chọn Hà Giang để bắt đầu.
"Nhưng chúng tôi không tìm được nguồn nhân lực phù hợp, khó tìm kiếm công nghệ... Hay nói ngắn gọn là không có đất diễn, nên chúng tôi lại phải về Hà Nội khởi nghiệp, đến giờ cũng đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhưng đến giờ, hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chưa rộng rãi, thuận lợi hơn”, ông Định chia sẻ.
Vấn đề mà ông quan ngại là sự bao trùm của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước. Một mặt, họ vừa được giao các dự án, nhiệm vụ lớn, tầm quốc gia, một mặt họ vẫn đang khai thác các hoạt đông kinh doanh nhỏ, nhiều khi chèn lấn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
“Doanh nghiệp doanh thu vài tỷ đồng làm sao cạnh tranh nổi. Nên dành đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng các cơ chế cụ thể, dành cơ hội kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận đất đai, nguồn vốn...”, ông Đình đề xuất.
Đây cũng là vấn đề ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng trăn trở trong phần tham luận của mình.
“Doanh nghiệp ở khu vực miền núi Đông Bắc Bộ vẫn còn khó khăn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, nếu không có cơ chế rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ, thậm chí là bảo vệ doanh nghiệp tỉnh thì sẽ khó có doanh nghiệp địa phương đủ sức dẫn dắt, khó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh như chúng ta mong muốn”, ông Tiến nói.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn “ghen tỵ” với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng, miền đồng bằng, có lợi thế phát triển, có khu công nghiệp, có cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nếu địa phương chỉ quan tâm đến doanh nghiệp lớn, câu hỏi đặt ra là, nếu không có doanh nghiệp nhỏ, vừa, không có "chim ri" thì "đại bàng" sống với ai”, bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật bày tỏ quan điểm.
Thủ tục hành chính cắt mãi vẫn chưa hết rườm rà

Ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng phát biểu tại Phiên đối thoại
Trước đó, trong phần phát biểu khai mại, ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nhắc tới khu vực miền núi Đông Bắc Bộ, với vị trí địa lý đặc biệt, tiềm năng tài nguyên, lợi thế biên mậu và bản sắc văn hóa độc đáo, nhưng thách thức đặc thù của khu vực không nhỏ, như hạ tầng thiếu đồng bộ, chi phí logistics cao, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, quy mô doanh nghiệp nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh địa phương chưa cao, dễ tổn thương và khó tiếp cận các chính sách lớn.
Vì vậy, các câu hỏi mà doanh nghiệp đang đặt ra, sẽ được gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 là: Làm thế nào để cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại miền núi? Chính sách nào để vùng Đông Bắc không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số và hội nhập? Và quan trọng nhất, làm sao để tiếng nói của doanh nghiệp từ biên cương đất nước có thể thực sự đi vào đời sống chính sách ở cấp cao hơn?
Nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt không chỉ ở quy mô, địa bàn hoạt động. Ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng kể, khi triển khai một dự án đầu tư mỏ đá, doanh nghiệp phải hoàn tất 14 thủ tục. Chưa tính đến việc nhiều thủ tục trùng lắp, vấn đề là sau rất nhiều cuộc họp, doanh nghiệp nhận được câu trả lời là “chưa phù hợp vì chưa có trong quy hoạch” hay là “chưa có quy định, nên phải đợi quy định của pháp luật”.
“Câu trả lời này có đúng với tinh thần của các Nghị quyết không? Nếu pháp luật chưa theo kịp yêu cầu phát triển, mà lại nói chờ pháp luật quy định, thì đó lại là rào cản cho các ý tưởng đầu tư mới”, ông Tiến thẳng thắn đặt câu hỏi.
Đây là lý do ông Tiến đề nghị các địa phương, các bộ, ngành... khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, cần tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.
Điều đáng nói, ông cũng thừa nhận, có nguyên nhân từ tâm lý sợ sai của cán bộ, công chức. “Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh bảo vệ doanh nghiệp tư nhân, thì cũng phải có cơ chế bảo vệ công chức thực thi”, ông Tiến đề xuất.
Vướng mắc trong thủ tục hành chính cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp tham gia thảo luận đề cập. Thậm chí, có doanh nghiệp kể lại cảm giác bức xúc khi nhận được đề nghị của cơ quan chuyên môn là “bổ sung giấy tờ khác theo quy định của pháp luật”.
“Chúng tôi nộp hồ sơ, nhận được hướng dẫn như vậy thì chúng tôi biết thực hiện thế nào”, vị đại diện doanh nghiệp nói, nhưng xin phép không nêu tên.
Nhiều đến mức, ông Trần Văn Minh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phải đặt câu hỏi, vì sao Nhà nước luôn đặt ưu tiên cắt giảm thủ tục hành chính mà đến giờ vẫn doanh nghiệp vẫn phải đề nghị cắt giảm.
“Doanh nghiệp của Cao Bằng nói dự án cần tới 14 con dấu, nhưng thực tế nhiều dự án cần nhiều hơn thế. Đây là điều chúng ta phải tiếp tục gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ để thực sự thay đổi”, ông Minh nhấn mạnh.
Đòi hỏi chuyên nghiệp hơn từ chính các doanh nhân
Tuy nhiên, đại diện của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng thẳng thắn, doanh nghiệp phải thay đổi, phải chuyên nghiệp, không được sổ nọ sổ kia... nếu muốn tận dụng cơ hội của thời cuộc, khi tinh thần của các Nghị quyết đang được lan rộng trong hoạt động của chính quyền các địa phương, trong doanh nghiệp.
Điều đặc biệt tại phiên thảo luận này có nhiều ý kiến không kiểu thông lệ "đẹp khoe - xấu che” của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang
Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang liệt kê rất dài những tồn tại trong thói quen kinh doanh của không ít doanh nghiệp Việt, như né thuế, khai hải quan không chuẩn, gian lận thương mại, chuyển giá, chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về lao động...
“Điều này một mặt ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tuân thủ pháp luật, nhưng mặt khác ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh chung của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nhân trẻ phải đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt”, ông Linh nhấn mạnh, với mong muốn thay đổi văn hóa kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch.
Để thực hiện, nhiều hội doanh nhân trẻ đề nghị Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ đào tạo về quản trị, chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp nội khối.
Nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng, chính quyền địa phương cũng dành nguồn lực để đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp.
"Chính quyền địa phương đã được phân cấp rất mạnh, nên doanh nghiệp chờ đợi chính quyền địa phương năng động, sáng tạo", ông Linh đề xuất.
Phát biểu tại Phiên đối thoại, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Lạng Sơn cam kết, các ý kiến của doanh nghiệp đều sẽ được nghiên cứu, xem xét, để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Phiên đối thoại Cụm miền núi Đông bắc bộ của VPSF 2025
“Hôm nay, đại diện các sở, ngành liên quan đến doanh nghiệp đều có mặt. Chúng tôi xác định, đây là dịp để UBND tỉnh và các sở, ngành lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu, tiếp thu. Mục tiêu chung là vì sự phát triển của địa phương, cũng là vì sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Đoàn Thanh Sơn khẳng định.Cụ thể, ông yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại công - tư, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo trong thực thi công vụ; triển khai hiệu quả các kế hoạch của tỉnh về 4 Nghị quyết trụ cột của Trung ương.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại miền núi? Chính sách nào để vùng Đông Bắc không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số và hội nhập? Và quan trọng nhất, làm sao để tiếng nói của doanh nghiệp từ biên cương đất nước có thể thực sự đi vào đời sống chính sách ở cấp cao hơn?
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/neu-khong-co-doanh-nghiep-nho-dai-bang-song-voi-ai-d329175.html