'Nếu không nghiên cứu vi mô, người làm nội dung dễ ngộ nhận lịch sử'

Những năm qua, các công trình nghiên cứu lịch sử vi mô như: trang phục, súng ống... liên tục ra mắt. Với các nhà nghiên cứu Việt Nam, hướng tiếp cận này đem lại giá trị riêng.

 Cuốn sách Biên niên sử xe đạp là một cuốn lịch sử vi mô mới được phát hành gần đây. Ảnh: Huy Hoàng.

Cuốn sách Biên niên sử xe đạp là một cuốn lịch sử vi mô mới được phát hành gần đây. Ảnh: Huy Hoàng.

Một số nhà nghiên cứu độc lập hiện nay nhận định dòng sách vi lịch sử có vai trò quan trọng trong việc mở rộng các góc nhìn về dòng sự kiện chính.

Giá trị lớn nằm trong một chi tiết nhỏ

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam (thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong, người phục dựng thành công áo Giao lĩnh thời Lê), vi lịch sử có đối tượng là các sự kiện, nhân vật hay nhóm nhỏ trong xã hội. Mục đích nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn hoàn cảnh lịch sử, biến chuyển xã hội và những đổi thay qua từng thời đại. Trong những vấn đề vi mô, một số chi tiết thường có thể lý giải nghi vấn lịch sử hoặc cung cấp thêm thông tin cho bức tranh toàn cảnh.

“Nếu không có các cuốn sách, công trình nghiên cứu vi mô, nhiều người làm nội dung có thể ngộ nhận hoặc cào bằng các tiến trình lịch sử. Dễ thấy nhất là tạo hình các nhân vật lịch sử trên sân khấu triều Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trang phục của họ từng bị mặc định là áo dài khăn đóng. Điều này hoàn toàn không chính xác với dữ liệu lịch sử”, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam lấy ví dụ về vai trò của nghiên cứu lịch sử vi mô.

 Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam là họa sĩ phục dựng thành công áo Giao lĩnh thời Lê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam là họa sĩ phục dựng thành công áo Giao lĩnh thời Lê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Nam, anh Đông Nguyễn (tác giả cuốn Khảo cứu súng đạn của người Việt) cũng cho rằng lịch sử không chỉ đơn thuần là việc liệt kê các sự kiện và nhân vật, nhiệm vụ của nó là lý giải vì sao sự kiện xảy ra, nhân vật xuất hiện như thế nào. Để hiểu được điều này, cần nghiên cứu mọi lát cắt của đời sống quá khứ dù nó chỉ là một chi tiết. Có rất nhiều câu hỏi về vấn đề vi mô những nhà nghiên cứu chưa thể chạm đến, chẳng hạn “Phương thức hay vật liệu xây dựng gì đã giúp các công trình tồn tại tới bây giờ?”, “Quân lính ngày xưa có chế độ ăn ra sao?”...

“Nếu không hiểu được những khía cạnh vi mô, mọi lý giải đều chỉ là suy diễn vô căn cứ. Những câu hỏi lớn cần được bắt đầu bằng những chi tiết nhỏ”, tác giả Đông Nguyễn nhận định.

Tranh cãi về lịch sử vi mô

Khác với góc nhìn của những học giả Việt Nam đương đại, các nhà khoa học phương Tây đưa ra nhiều nhận định mâu thuẫn nhau về ý nghĩa của phương pháp vi lịch sử. Dù vậy, những tác phẩm sử dụng hướng tiếp cận này vẫn tiếp tục được ra đời và khẳng định giá trị của nó.

Theo Đại học Victoria (Melbourne, Australia), nguồn gốc của vi lịch sử thường được truy nguyên từ các nhà sử học châu Âu vào thế kỷ XX, nổi bật là nhóm Annales tại Pháp. Các nhà sử học như Marc Bloch và Lucien Febvre đã chỉ ra rằng để hiểu rõ lịch sử, không chỉ cần tập trung vào các sự kiện lớn và nhân vật nổi tiếng mà còn cần xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh đời sống hàng ngày và các nhóm xã hội ít được chú ý. Họ cho rằng các câu chuyện nhỏ bé, cá nhân có thể cung cấp những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về bức tranh lịch sử toàn cảnh.

 The Cheese and the Worms của Carlo Ginzburg. Ảnh: Boing.

The Cheese and the Worms của Carlo Ginzburg. Ảnh: Boing.

Một dẫn chứng nổi bật của vi lịch sử là tác phẩm The Cheese and the Worms của nhà khoa học Carlo Ginzburg. Sử gia người Italy, Ginzburg, đã nghiên cứu về một thợ xay bột tên Menocchio ở vùng Friuli, Ý vào thế kỷ XVI. Thông qua cuộc đời và suy nghĩ của Menocchio, ông đã khám phá ra nhiều khía cạnh về văn hóa dân gian và tôn giáo của người dân thời kỳ Phục hưng. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy vi lịch sử có thể mở ra những khám phá mới mẻ mà các phương pháp nghiên cứu truyền thống có thể bỏ qua.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách tiếp cận này. Một số học giả cho rằng vi lịch sử có thể làm giảm tầm quan trọng của các sự kiện lớn và những nhân vật quan trọng trong lịch sử. Họ lo ngại rằng nhà nghiên cứu có thể phóng đại ý nghĩa của một sự kiện để gắn nó vào trong bức tranh lịch sử tổng thể. GS Zoltán Boldizsar Simon (đến từ Đại học Bielefeld, Đức) nhận định: “Hạn chế của lịch sử vi mô là cách nó liên kết với các vấn đề vĩ mô. Các bằng chứng trong lịch sử vi mô đôi khi khó hiểu và bí ẩn. Đồng thời, các tác giả khác nhau không đi đến một quan điểm chung khi nghiên cứu cùng một chủ đề”.

Trái lại, GS István M. Szijártó (Khoa Nhân học, Đại học Eötvös Loránd, Hungary) cho rằng vi lịch sử hấp dẫn công chúng, gần gũi về đề cao những thứ được gọi là kinh nghiệm cá nhân. Từ các chi tiết trong đời sống, các nhà khoa học có thể đưa ra những nhận định sâu sắc hơn về những biến đổi xã hội và văn hóa.

Chẳng hạn, công trình của Emmanuel Le Roy Ladurie, Montaillou village (occitan de 1294 à 1324) đã tái hiện một bức tranh sinh động về cuộc sống của nông dân và những người theo dị giáo Cathare. Thông qua những câu chuyện cá nhân và cuộc sống hàng ngày, Le Roy Ladurie đã làm rõ hơn về cấu trúc xã hội và những thay đổi tôn giáo tại địa phương này.

Không thể phủ nhận rằng, vi lịch sử đã mở ra những cánh cửa mới trong việc nghiên cứu và hiểu biết về các giai đoạn trong quá khứ. Đây là công cụ quan trọng giúp học giả có cái nhìn toàn diện và đa chiều hơn về lịch sử nhân loại.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-sach-lich-su-vi-mo-dang-o-dau-trong-mat-hoc-gia-post1483594.html