Nếu một ngày, những loài vật bé nhỏ biến mất
Hai cuốn sách đồng thoại của tác giả Mộc An mang đến những câu chuyện vui tươi nhưng thấm thía về các loài vật bé nhỏ, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi cấp thiết về môi trường tự nhiên xung quanh con người.
Nếu một ngày chúng tớ biến mất là câu chuyện về gia đình Ốc Sên, được kể bằng ba góc nhìn khác nhau, về những sự kiện làm thay đổi cuộc sống của loài sinh vật thân mềm này.
Ở góc nhìn đầu tiên, trong một khu vườn nhỏ, cô Ốc Sên ăn chay sống yên bình cùng những người bạn như bác Bồ Đề, bác Cá, anh Dế Nghệ Sĩ, cô Mèo Hoa... Giữa những tháng ngày êm đềm ấy, cô phải lòng một chàng Ốc Sên và sinh ra hai bé con Sọc Vàng và Sọc Xanh đáng yêu. Nhưng hai đứa trẻ lớn nhanh như thổi, lại không thể quen được với yêu cầu ăn chay, tức là không ăn các loài hoa theo lời mẹ, nên gia đình Ốc Sên quyết định vác ngôi nhà trên lưng ra đi đến một miền đất mới.
Góc nhìn thứ hai là lời kể của bé Sọc Xanh khi gia đình Ốc Sên chuyển đến một khu vườn rộng bên sông. Với nguồn thức ăn tươi tốt, những tưởng họ có thể sống thoải mái lâu dài tại đây nhưng chẳng bao lâu sau, bố mẹ Ốc Sên bị con người bắt mất để phục vụ cho trang trại Ốc Sên làm thức ăn cho con người. Một hành trình giải cứu bố mẹ của hai anh em được rất nhiều bạn bè giúp đỡ.
Và cuối cùng, Sọc Vàng đảm nhận dẫn dắt câu chuyện khi Sọc Xanh đã có rất nhiều bé ốc sên con nghịch ngợm. Một ngày nọ, một bé ốc sên bị lạc, khiến đại gia đình phải tìm kiếm khắp mọi nơi.
Ở mỗi giai đoạn, mỗi hành trình, gia đình Ốc Sên đều sẽ bắt đầu những chuyến đi mới không định trước, phần lớn trong số đó do tác động của con người với tự nhiên. Nhìn từ cuộc sống của loài ốc sên nhỏ bé mới thấy được thiên nhiên quan trọng như thế nào.
Cuốn sách không chỉ kể về tình yêu thương gia đình, sự dũng cảm của các nhân vật hay lòng vị tha trắc ẩn, mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn mà hơn thế nữa là bài học đắt giá về môi trường. Khu vực sống của các sinh vật tự nhiên ngày càng thu hẹp dần để phục vụ nhiều mục đích của con người, dần dần những loài vật biến mất và không thể tìm thấy ở đâu nữa.
Đây cũng là thông điệp một lần nữa được nhắc đến và nhấn mạnh trong cuốn sách Nhạc sĩ đường phố, được coi là phần tiếp theo với nhân vật Dế Nghệ Sĩ, hay được gọi Dế Bụi lang thang khắp chốn.
Dế Bụi mong muốn mang tiếng đàn của mình đi biểu diễn khắp nơi, trình diễn những ca khúc tuyệt hay cho mọi người nghe. Thế nhưng, loài dế sống ở thành phố gặp biết bao điều nguy hiểm, từ việc bị bắt làm đồ chơi cho đến việc không có chỗ để sinh sống.
Trong cuộc sống tự do của mình, cậu cũng được lắng nghe câu chuyện của nhiều người bạn, một Bươm Bướm Bé Điệu bị cơn bão cuốn đi, hay một Đom Đóm bị mất nhà bởi ánh đèn điện rực rỡ làm lu mờ ánh sáng nhỏ nhoi của cậu…
Nếu một ngày nào đó, các loài sinh vật như ốc sên, dế, đom đóm… chỉ còn tồn tại trong từ điển, điều đó chẳng phải thật đáng buồn hay sao? Trẻ em phải lên mạng tìm kiếm hình dáng của các loài động vật như thế nào khi chúng ngày một biến mất hoặc không dễ để có thể nhìn thấy nữa. So với máy tính, điện thoại, thiên nhiên dường như kém hấp dẫn hơn với trẻ em.
Bằng những câu chuyện sâu sắc và các tranh vẽ tuyệt đẹp, hai cuốn sách Nếu một ngày chúng tớ biến mất và Nhạc sĩ đường phố mở ra một thế giới tự nhiên đầy kỳ thú để trẻ em ngày nay có thể làm quen và tìm hiểu về môi trường xung quanh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/neu-mot-ngay-nhung-loai-vat-be-nho-bien-mat-post1514364.html