Nếu trường ĐH chỉ trông chờ vào nguồn thu học phí, lương GV khó tăng cao được
Nếu tính theo giờ dạy của giảng viên được trả công khoảng 200.000 đồng/giờ thì lương giảng viên còn thấp hơn tiền lương sinh viên làm gia sư dạy thêm.
Vừa qua, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, một số ý kiến đề xuất nên điều chỉnh mức lương của giảng viên đại học. Theo đó, chế độ tiền lương còn bất cập, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù giảng viên đại học.
Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảng viên đại học yêu cầu khi tuyển dụng phải có trình độ đào tạo là thạc sĩ trở lên (mất khoảng 6 năm học). Nhưng xếp lương thì như đại học (4 năm), cho thấy tuyển dụng mới giảng viên xếp lương sẽ thấp hơn ít nhất 1 bậc lương so với các chức danh nghề nghiệp khác. Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực, nhất là các giảng viên trẻ của các cơ sở giáo dục đại học.
Mức lương chưa đủ mưu sinh, giảng viên trẻ mong mỏi tăng lương
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giảng viên tại một trường đại học ở Hà Nội cho biết: Mức lương trung bình của giảng viên mới ra trường hiện nay khoảng dưới 15 triệu đồng/tháng.
Giảng viên này chia sẻ: “Theo tôi, hiện tại mức lương cho giảng viên trẻ không đủ đáp ứng các chi phí cơ bản, đặc biệt là khi sinh sống ở Hà Nội. Hơn nữa, việc học tập nghiên cứu sau đại học cần đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên mức lương cho giảng viên với học vị là thạc sĩ, tiến sĩ chưa thực sự thỏa đáng với khối lượng công việc. Đồng thời, giảng viên phải liên tục học tập trau dồi kiến thức”.
Theo giảng viên này, các trường đại học luôn muốn tuyển dụng người có học vị cao, song lại chưa thực sự đầu tư cho giảng viên trong trường cơ hội để được học lên cao hơn.
"Để trở thành giảng viên chính thức bắt buộc phải bằng thạc sĩ. Thế nhưng, mức lương cơ bản cho giảng viên mới lại ngang bằng cử nhân mới ra trường làm việc trong các ngành khác. Như vậy, với giảng viên mới như tôi cũng thấy bất cập trong việc trả lương. Đồng thời cũng rất khó để thu hút những người có học vị cao theo đuổi công việc giảng dạy cũng như phát triển con đường học thuật của mình.
Các trường đại học phải có chính sách hỗ trợ cả tài chính và sắp xếp thời gian cho các giảng viên làm nghiên cứu hoặc học lên tiến sĩ.
Thêm vào đó, mức lương cơ bản cho giảng viên chính thức nên được điều chỉnh tăng thêm. Đồng thời, giảng viên thỉnh giảng cũng nên có thêm khoản tiền hỗ trợ cho việc chấm và soạn giáo án. Đây là hai công việc mất nhiều thời gian hơn so với dạy trên lớp, nhưng lại được thực hiện ở nhà và trong thời gian cá nhân nên không được tính thêm lương”, giảng viên này đề xuất.
Ngoài ra, theo giảng viên này chia sẻ, để lên lớp dạy 1 ca 90 phút thì giảng viên thỉnh giảng cần đến 4-5 tiếng, thậm chí dành nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng. Hơn thế nữa, giảng viên thỉnh giảng còn phải chấm bài và hướng dẫn cho sinh viên trong nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên giảng viên thỉnh giảng chỉ được trả lương theo giờ dạy thực tế trên lớp.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Hoàng Thị Thuận, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tuyển dụng giảng viên đại học với yêu cầu có trình độ thạc sĩ mà hưởng lương như cử nhân đại học thì đây là điều bất hợp lí. Tiến sĩ Hoàng Thị Thuận cho rằng chế độ này không phù hợp với trình độ, năng lực và không đảm bảo các điều kiện cuộc sống của giảng viên.
“Lương của giảng viên được tính bằng hệ sống lương nhân với mức lương cơ sở, cộng thêm phụ cấp (nếu có). Với giảng viên ở bậc thạc sĩ mới vào nghề được hưởng hệ số lương từ 1/7/2024 là 2,34 và sau 3 năm thì hệ số lương mới tăng 1 lần. Với mức lương cơ bản như vậy thì không đủ để giảng viên vừa trang trải chi phí sinh hoạt vừa học nâng cao để phục vụ cho quá trình giảng dạy của mình, nhất là khi giá cả leo thang như hiện nay", Tiến sĩ Hoàng Thị Thuận chia sẻ
Theo cô Thuận, nhà nước vừa có chính sách tăng lương cho giáo viên tuy nhiên mức lương tăng nhưng thuế thu nhập cá nhân cũng tăng, đó cũng là một sự bất cập. Do đó, cô Thuận cho rằng vẫn cần một chính sách đồng bộ để đảm bảo được tất cả yếu tố, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ.
"Tại một số trường đại học đang có thực trạng những sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc nhưng nhà trường không thể giữ lại làm việc vì mức lương eo hẹp. Họ sẵn sàng tìm đến những cơ quan, doanh nghiệp tư nhân với những đãi ngộ tốt hơn. Còn theo thang lương quy định của nhà nước thì trừ một số trường hợp quá xuất sắc và có thành tích nổi bật mới được tăng lương trước thời hạn. Nên nếu điều chỉnh tiền lương của giảng viên đại học thì cần căn cứ vào thực tế, đặc thù nghề nghiệp và năng lực của giảng viên”, Tiến sĩ Hoàng Thị Thuận nhấn mạnh.
Vì đâu mức lương của giảng viên đại học còn thấp?
Ông Trần Tuấn Linh - Giám đốc Viện Khởi nghiệp INIS - Trường Đại học Nguyễn Trãi, đồng thời là Giám đốc Dự án AES Việt Nam (cộng đồng dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tại Việt Nam) cho biết, thực tế nhiều cơ sở giáo dục hiện nay nguồn thu vẫn chủ yếu dựa vào học phí của sinh viên để trang trải các chi phí vận hành và trả lương cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, việc các trường chỉ dựa vào học phí không chỉ gây áp lực tài chính lên sinh viên mà còn làm cho trường học trở nên "phụ thuộc" vào sinh viên như khách hàng chính.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng chưa khai thác được các giá trị khác điển hình như: tiền tài trợ, tiền đầu tư của các doanh nghiệp hay các tổ chức đầu tư về giáo dục và tiền chuyển giao các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo giảng viên, nếu tính theo giờ dạy của giảng viên được trả công khoảng 200.000 đồng/giờ thì lương giảng viên còn thấp hơn tiền lương sinh viên làm gia sư dạy thêm. Như vậy, về mặt chi phí là không cân đối so với giá trị tri thức của một giảng viên đại học.
“Đối với các trường đại học để không biến sinh viên thành khách hàng chính và giảm sự phụ thuộc vào học phí, việc đa dạng hóa nguồn thu là giải pháp tất yếu. Điều này sẽ không chỉ giúp các trường đại học có đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mà còn giúp nâng cao mức lương và chế độ đãi ngộ cho giảng viên. Khi áp lực tài chính giảm đi, việc điều chỉnh mức lương của giảng viên sẽ trở nên dễ dàng hơn, tạo động lực để họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, ông Linh nhận định.
Lương giảng viên nên được trả theo yêu cầu của từng vị trí việc làm
Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Thuận, lương giảng viên nên được trả theo yêu cầu của từng vị trí việc làm, hiệu quả làm việc thay vì theo hệ số. Cách trả lương này vừa có thể đảm bảo không có sự cào bằng, đồng thời phát huy được tính chủ động, năng lực sáng tạo của mỗi giảng viên.
Cô Thuận cũng cho biết nhiều trường đại học ngoài công lập đã áp dụng tính lương giảng viên theo vị trí việc làm và hiệu quả làm việc. Ngay cả các trường đại học công lập cũng đã xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp các trường đại học tăng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Ngoài ra, nhà nước cần có thứ tự ưu tiên cho giảng viên thuộc các ngành nghề khác nhau, phù hợp với hai nhiệm vụ mà giảng viên phải thực hiện là nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Với giảng viên trẻ cần có chế độ đãi ngộ hợp lý về lương, thưởng để các bạn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề theo mức độ phát triển của xã hội”, cô Thuận đề xuất.
Trong khi đó, theo ông Trần Tuấn Linh, các trường đại học cần tập trung triển khai đầu tư thu hút nhiều nguồn thu khác ngoài học phí để có thể tăng mức lương cho giảng viên.
Để thu hút được giảng viên chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục, các trường đại học nên liên kết và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đào tạo của các trường đại học. Khi doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng với nhà trường, doanh nghiệp sẽ giúp cho nhà trường cải tiến các giáo trình, giáo án, gắn với hoạt động thực hành.
Bên cạnh đó, để tìm kiếm các nhân sự trong tương lai, doanh nghiệp sẽ đầu tư cho chất lượng giáo dục tại các trường đại học. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục sẽ tăng. Đồng thời thu nhập của giảng viên sẽ không bị phụ thuộc vào một nguồn nếu có sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp.
Về phía các trường đại học nếu phát triển theo hướng hàn lâm sẽ có thế mạnh về nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay có thể thấy thị trường chuyển giao khoa học công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu ở Việt Nam chưa rõ nét và tạo ra động lực cho người làm nghiên cứu khoa học. Nếu như có chính sách tạo ra thị trường tốt cho những hoạt động này thì giảng viên đại học sẽ có rất nhiều cơ hội để tăng thêm thu nhập.